.
Hành trình tìm kiếm mộ Tổng Bí thư Hà Huy tập
Đăng lúc: Thứ năm - 02/08/2012 06:20 - Người đăng bài viết:admin
Những cơ duyên cảm động trong hành trình đi tìm hài cốt Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập |
LTS:Năm 1941, Cố Tổng Bí thư (TBT) Hà Huy Tập, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, linh hồn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn, sau đó chúng chặt đầu bêu tại trường bắn Hóc Môn - Gia Định (cũ).
Sau gần 70 năm lưu lạc, người con ưu tú của Hà Tĩnh đã trở về quê hương. Nhưng để có ngày trở về trong biển người thương nhớ, cờ hoa rực rỡ đó, những người con dòng họ Hà đã không quản ngại khó khăn, tận tâm, tận lực trong suốt nhiều năm ròng rã, một lòng, một dạ đi tìm hài cốt cố TBT. Vốn là một câu chuyện dài, ly kỳ, đầy trắc trở và theo GS. Viện sĩ Đào Vọng Đức (Viện Vật lý và TTNCTNCN) thì có cả những câu chuyện "về những khả năng rất kỳ lạ của con người, mà không có cách nào lý giải nổi trong khuôn khổ những kiến thức đã có của các ngành Khoa học truyền thống" mà cuốn sách "Cuộc tìm kiếm hài cốt Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập" do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh xuất bản quý I /2009 đã đề cập đến rất chi tiết.
Nỗi trăn trở của dòng tộc họ Hà
Ngồi đối diện với chúng tôi trong căn phòng nhỏ của Trung tâm công nghệ môi trường (Viện Vật lý) là một người con của họ Hà, PGS.TS Hà Vĩnh Tân, Giám đốc trung tâm và là Uỷ viên Hội đồng khoa học TTNCTNCN. Ông là một trong những người đại diện cho dòng họ Hà gồm ông Hà Huy Lợi, đại tá Hà Văn Sỹ đã tìm gặp TTNCTNCN, bày tỏ nguyện vọng nung nấu muốn tìm kiếm di hài của cố TBT đưa về quê hương. Một phong thái cởi mở, đầy nhiệt tâm với sự thành kính, ông Tân đưa chúng tôi vào câu chuyện ly kỳ với những tình huống cảm động kỳ diệu trong hành trình tìm hài cốt của Cố TBT Hà Huy Tập.
Giọng trầm ấm, đủ để người đối diện phải lắng nghe, ông Tân tôn kính nói về Cố TBT - một tấm gương kiên trung, bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cố TBT Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong gia đình và dòng họ có truyền thống yêu nước và đại nghĩa ở làng Kim Nặc, Tổng Thổ Ngoạ (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Cố TBT là hậu duệ thứ 21 của Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng vị hầu, Trấn thủ xứ Nghệ An - Hà Mại. Truyền thống gia đình và quê hương đã sớm giác ngộ, hun đúc tinh thần yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc. Con đường hoạt động cách mạng hiểm nguy, gian khổ, khốc liệt và bị tù đầy nhưng ông vẫn kiên gan, bền chí xả thân cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Ngày 1/5/1938, do bị chỉ điểm, ông đã bị mật thám Pháp bắt khi đang tham dự cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn. ông đã trải qua nhiều cấp toà xét xử của Thực dân Pháp và bị áp giải qua nhiều nhà giam, chịu sự quản thúc... Cuối cùng ngày 25/3/1941, Toà án binh Sài Gòn kết án tử hình Cố TBT Hà Huy Tập vì "có trách nhiệm tinh thần" trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trước toà án Thực dân, Cố TBT Hà Huy Tập đã khẳng khái: "Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động". Cùng bị kết án tử hình với ông còn có các đồng chí lãnh đạo của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai. Ngày 28/8/1941, người chiến sĩ Cách mạng trung kiên Hà Huy Tập bị giặc Pháp xử bắn, sau đó chúng chặt đầu treo tại trường bắn tại Hóc Môn (Gia Định), nay là TP. Hồ Chí Minh.
Sau ngày Cố TBT bị xử bắn, dòng tộc cũng chỉ nghe nói, người dân sống gần nơi trường bắn lén trộm xác đưa Cố TBT đi chôn cất cùng một số các đồng chí khác như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... Năm tháng qua đi, việc chưa tìm được di hài của Cố TBT đưa về quê an nghỉ luôn là nỗi niềm canh cánh, đè nặng bao thế hệ con cháu dòng họ Hà. Nhiều người đã đi tìm, qua nhiều năm, bằng nhiều cách nhưng chưa có kết quả. Bởi lẽ, những gì còn ghi chép lại trong tư liệu không còn đủ xác thực cho một cuộc tìm kiếm di hài Cố TBT. Năm 2002, cháu thúc bá Hà Huy Dũng đã tìm đến Hàm Rồng (Thanh Hoá), mong tìm kiếm thông tin để mở đường tìm kiếm hài cốt, đưa ông về quê, nhưng cảm nhận từ những thông tin thu được chưa thực sự thuyết phục. Công việc tìm kiếm lại giậm chân tại chỗ. Một thời gian sau, năm 2005, ông Hà Văn Lợi, Hà Văn Sỹ, những người con cháu dòng họ Hà (Hà Tĩnh) lại tiếp tục theo đuổi hành trình đi tìm hài cốt cụ Hà Huy Tập. Suốt nhiều năm, dòng họ Hà tìm đến những người được cho là có khả năng đặc biệt, nhưng những thông tin họ cung cấp mờ nhạt, chưa đủ sức thuyết phục nên cuộc tìm kiếm cứ kéo dài, tưởng chừng như vô vọng. Ông Tân nói: "Khi chưa tìm được hài cốt của cụ, cả dòng họ chúng tôi day dứt lắm. Ai cũng xác định việc tìm di hài của cụ là việc tâm đức cần phải làm. Và thực tế, dòng họ Hà đã không quản sức người, sức của nhất tâm đưa cụ trở về quê hương".
Câu chuyện cảm động về đức tin
Trong cuộc trò chuyện với PV ĐS &PL, PGS.TS Hà Vĩnh Tân đã đưa cho chúng tôi xem một bức ảnh ông chụp được hình mà ông cho là của một người phụ nữ đẹp hiện ra khi 100 nén nhang hoá trên tay nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh trong hành trình đi tìm vị trí đặt mộ của Cố TBT Hà Huy Tập. Đó là chuyện sau khi con cháu dòng họ Hà đã tìm được di hài của Cố TBT. Nhà khoa học Hà Vĩnh Tân sau đó đã đi đăng ký bản quyền tấm ảnh kỳ lạ này. Không chỉ có vậy, trong các cuộc tiếp xúc với những người tham gia cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt Cố TBT Hà Huy Tập, PV ĐS &PL được nghe rất nhiều câu chuyện khó lý giải khiến không chỉ những "người trong cuộc" băn khoăn, trong đó chủ yếu là những câu chuyện đã được con cháu họ Hà ghi lại trong cuốn sách "Cuộc tìm kiếm hài cốt Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập" do ông Hà Huy Lợi chủ biên (sách do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh xuất bản quý I /2010).
Chúng tôi đưa thắc mắc của mình xung quanh những câu chuyện này tìm đến GS. Viện sỹ Đào Vọng Đức (Viện Vật lý và Trung tâm NCTNCN)- người đã viết lời tựa cho cuốn sách "Cuộc tìm kiếm hài cốt Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập". GS Đức lý giải: "Một phương hướng nghiên cứu sâu sắc nhất và có tầm quan trọng đặc biệt của Vật lý hiện đại là xây dựng Lý thuyết Đại thống nhất - thống nhất các dạng tương tác - các dạng năng lượng trên cùng một nền tảng. Các kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng ngoài ba chiều không gian như ta đang sống và cảm nhận nhất thiết phải có sáu chiều không gian phụ trội. Điều đặc biệt trong Lý thuyết Đại thống nhất này nhất thiết phải tồn tại các trường "Vong". Các trường "Vong" giữ vai trò chủ chốt trong các cấu trúc, có tác dụng chỉ đạo chi phối các cơ chế tương tác nhưng không hề xuất hiện một cách tường minh trong thực tế". Cũng theo GS. Viện sỹ Đào Vọng Đức thì: "Có giả thuyết cho rằng, các chiều không gian phụ trội này chính là các chiều liên quan đến thế giới tâm linh. Cũng nảy sinh một câu hỏi rất tự nhiên rằng: ngoài các dạng tương tác đã biết được, hiện nay còn tồn tại chăng các dạng tương tác khác chưa được phát hiện? Không loại trừ rằng còn có các dạng siêu tương tác ứng với các dạng siêu năng lượng liên quan đến các hiện tượng siêu nhiên mà các giác quan bình thường của con người chưa thể cảm nhận được, cũng như Khoa học và Kỹ thuật hiện nay chưa đủ trình độ để phát hiện".
Chính vì thế, trong ngày gặp gỡ đầu tiên với nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh, những con cháu họ Hà hôm ấy đã rất khó quên. Những chuyện đất cát, gia sự và cả chuyện có người họ Hà bị chết vì hổ vồ... đều được tái hiện đúng quá khiến những người trong cuộc thấy rất hy vọng. Khi con cháu họ Hà nói nguyện vọng muốn đi tìm di hài của Cố TBT Hà Huy Tập thì được trả lời: dòng họ nhiều năm có tâm nhưng không biết cách tổ chức, không kiên nhẫn nên việc đi tìm không đạt. Chỉ khi con cháu nhất tâm thì việc tìm kiếm mộ phần mới đạt kết quả. PGS.TS Hà Vĩnh Tân khẳng định với chúng tôi, chưa bao giờ gặp nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh. Không hiểu sao khi đó cô lại nói đúng tất cả những gì về dòng họ như vậy. Điều này, khiến con cháu họ Hà thêm hy vọng. Còn phía Trung tâm NCTNCN nhận thấy việc tìm hài cốt Cố TBT Hà Huy Tập là một việc lớn khác với việc tìm kiếm hài cốt thông thường nên đã lập một đề tài khoa học "Chương trình tìm kiếm hài cốt Cố TBT Hà Huy Tập". Trước khi thực hiện việc tìm kiếm hài cốt của Cố TBT Hà Huy Tập, đoàn cán bộ Trung tâm và con cháu họ Hà đã lên K9 thắp hương kính báo với Bác. Trung tâm sử dụng thông tin của nhiều nhà ngoại cảm xem sự trùng khớp đến đâu và quyết định cử các nhà ngoại cảm Trần Ngọc ánh, Nguyễn Hữu Thuận và Phan Thị Bích Hằng tham gia tìm kiếm di hài Cố TBT Hà Huy Tập. Sau này, do có một sự kết nối nào đó mà cô ánh đã được hướng dẫn các bước đi cụ thể và trở thành nhà ngoại cảm có vai trò quan trọng trong hành trình kiếm tìm di hài của Cố TBT Hà Huy Tập thành công.
Tìm thấy nhân chứng, vật chứng
Trao đổi với phóng viên ĐS &PL, nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh nói: "Trong hành trình tìm hài cốt của cố TBT Hà Huy Tập, nhiều khi tôi hoàn toàn vô thức. Sau này tôi nghe mọi người kể lại cũng thấy rất lạ, khó lý giải". Nhưng thực tế, có một bức ảnh đẹp, kỳ lạ được PGS.TS Hà Vĩnh Tân - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (Viện Vật lý), Uỷ viên HĐKH Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người (NCTNCN) chụp lại đánh dấu nơi đặt mộ phần cố TBT tại quê nhà Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh.
Hay qua sự chỉ dẫn của cô ánh, con cháu dòng họ Hà đã tìm gặp được chú Chín Giỏi, nhân chứng sống kể lại chuyện cố TBT bị giặc xử bắn cùng các chiến sĩ cách mạng kiên trung khác. GS.VS Đào Vọng Đức, trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập" hy vọng: "Cùng với sự phát triển ngày càng sâu rộng của Khoa học và Công nghệ, dần dà chúng ta sẽ tiếp cận được những hiện tượng mà cho tới nay vẫn được xem là huyền bí hoặc hầu như là phi lý".
Câu chuyện về cố TBT qua lời kể của nhân chứng Chín Giỏi
Sau nhiều năm tháng thay đổi, tư liệu ghi lại sự hy sinh của cố TBT Hà Huy Tập cũng không còn nhiều. Người ta chỉ còn nhớ rằng, ông bị thực dân Pháp xử bắn và chặt đầu bêu trước trường bắn để thị uy với người dân cả vùng Hóc Môn - Gia Định (cũ). Sau đó, những người dân yêu nước, căm thù giặc đã lén lấy trộm xác cố TBT đi chôn cất. Sau bao năm, nhiều người họ Hà đi tìm cũng mong muốn gặp một nhân chứng còn sống để nói về chuyện này nhưng không biết ở đâu mà tìm.
Trong hành trình tìm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập, nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh dự báo sẽ gặp được nhân chứng sống, người đó có tên là Cửu Dốt (nói ngược lại). Từ đó, mọi người suy diễn, nhân chứng sẽ gặp được có tên là Chín Giỏi. Theo ông Hà Huy Lợi ghi lại trong cuốn sách "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập”: "Hôm ấy, tại nhà o Hồng (con gái cố TBT Hà Huy Tập - TS), cô Ánh ôm o Hồng khóc mà nói rằng: Quê hương, tổ tiên cần và gọi nên phải về. Ngày xưa còn nhỏ, o Hồng đã được gặp cố TBT một lần ở chuồng ngựa. Ngày mai, ngày mốt o Hồng nhớ đến Bến Tắm Ngựa đón cố TBT... Trước đấy, cô Ánh còn nói rõ tên kẻ chỉ điểm để mật thám bắt cố TBT có tên là Đinh Văn Di. Trước đây, cố TBT còn hoạt động đã bồi dưỡng người này, sau bị phản bội".
PGS.TS Hà Vĩnh Tân kể lại với phóng viên: "Hôm đó, cô Ánh có nói, lên đến trường bắn phải tìm cho được người có tên là Chín Giỏi và một số bà con Xuân Thới Thượng để nghe kể lại ngày cố TBT bị bắn và cái chết của nữ đồng chí Lý Duệ Phương (Nguyễn Thị Minh Khai) ". Thực sự, trước yêu cầu như vậy, con cháu họ Hà có hứa sẽ tìm gặp ông Chín Giỏi nhưng biển người mênh mông biết đâu là người có tên Chín Giỏi. Điều này cũng đã khiến những người trong cuộc lo lắng. Ai cũng hiểu và mong muốn tìm gặp được ông Chín Giỏi để biết thêm nhiều điều về cố TBT. Hơn nữa, nếu gặp được người có tên như vậy thì sẽ củng cố hơn niềm tin cuộc tìm kiếm đang đi đúng hướng.
Một sự tình cờ ngẫu nhiên đến lạ lùng, khi đến trường bắn, qua mô tả hình dáng trước đó của cô Ánh, mọi người đã tìm gặp được ông Chín Giỏi. Trước cuộc tìm kiếm linh thiêng này, ông Chín Giỏi kể lại: "Tui nghe má kể lại là bà ngoại và nhân dân ở đây nói, bọn chúng chỉ bắn mấy ổng chứ bà Minh Khai chúng có đưa lên đây nhưng dân biểu tình dữ quá nên chúng phải đưa về. Đến ngã tư Giếng Nước thì bắn bà Minh Khai chứ bà không chết ở đây đâu". ông Tân cũng cho biết thêm, nhiều bà con cũng khẳng định: Ngày ấy bà Minh Khai bị chúng chở ra trường bắn cùng với ông Tập (cố TBT Hà Huy Tập), ông Cừ (cố TBT Nguyễn Văn Cừ) và ông Tần (cố Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ Võ Văn Tần) và một số người khác. Nhưng vì bà Minh Khai là phụ nữ nên dân chúng đả đảo bọn chúng dữ quá, chúng đành chở bà về. Tới ngã tư Giếng Nước, chúng đạp bà xuống bắn luôn mà không cần tuyên bố gì cả.
Nhân chứng sống đã tìm thấy, mọi người đã được nghe nhân dân kể về sự hy sinh của cố TBT Hà Huy Tập và những đồng chí khác. Số thẻ Đảng 10444, số áo tù 7722, kẻ chỉ điểm để mật thám bắt cố TBT xưa kia đều được chứng thực. Điều này, khẳng định thêm niềm tin cho cả dòng họ Hà và các nhà ngoại cảm rằng thành công đang đến rất gần.
Giải mã những điều chưa biết...
Trong hành trình tìm kiếm di hài cố TBT Hà Huy Tập, những lời dự báo của các nhà ngoại cảm như một sự dẫn dắt lạ lùng đối với những người tham gia đoàn tìm kiếm. PGS.TS Hà Vĩnh Tân và cô Ánh kể rằng: "Cả tháng trời chuẩn bị khai quật mộ phần của cố TBT, có những cuộc điện thoại không hiện số hướng dẫn cho mọi người". Bất giác tôi giật mình, nhìn chiếc điện thoại rất đỗi bình thường của cô Ánh, tự hỏi thầm nhà cung cấp dịch vụ nào nối những cuộc trò chuyện như vậy nhỉ? Còn những người trong cuộc thì khẳng định chắc chắn đã nhiều lần nghe những cuộc điện thoại đó, phải chăng lúc ấy họ cũng ở trong trạng thái vô thức?
Ông Hà Huy Lợi còn ghi lại trong cuốn sách "Cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập": "Có lần cô Ánh bảo mọi người trong đoàn tìm đến quê và thắp hương tại mộ cố Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ Võ Văn Tần. Tất cả mọi người không ai biết đường đi. Đêm hôm ấy, điện thoại của cô tự reo chuông, nhưng không có số máy gọi đến. Nhắc máy, cô nghe thấy có người nói chuyện và chỉ dẫn đường đến nghĩa trang Thành phố và trước 5 giờ sáng tìm thấy mộ cụ Võ Văn Tần sẽ thấy được nhiều điều. Vậy là 3 giờ 30 phút mọi người lục tục kéo nhau đi theo sự chỉ dẫn của cú điện thoại ấy thì quả nhiên đến được mộ phần của cụ Võ Văn Tần".
Ông Hà Vĩnh Tân nói với phóng viên: "Không chỉ máy điện thoại của cô Ánh đổ chuông mà trong những người họ Hà có nhiều người đã nghe những cuộc điện thoại không số ấy. Chính tôi đã được nghe cuộc điện thoại mà ở đó khi kiểm tra số máy từ đâu gọi đến không được. Có điều khẳng định, tiếng nói nghe rõ ràng". Còn cô Hà, thư ký của chương trình thì bị "khủng bố" bằng điện thoại. Nói "khủng bố" là ngôn từ hiện đại thôi, nhưng theo cô Hà thì thực tế, "rất nhiều lần khi cô có ý nghĩ không có lợi cho cuộc tìm kiếm thì điện thoại lại đổ chuông ầm ĩ. Cô không dùng dòng điện thoại cảm ứng nhưng cứ để xuống bàn thì nó rung lên bần bật, cầm lên tay, bật máy nghe thì không thấy gì".
Trong lần gặp gỡ gần đây, PGS.TS Hà Vĩnh Tân đã đưa cho chúng tôi xem bức ảnh chụp được hình một người đàn bà đẹp hiện hữu khi 100 nén nhang hoá trên tay cô Trần Ngọc Ánh. Theo ông Tân kể lại: "Hôm ấy con cháu họ Hà theo sự chỉ dẫn của cô Ánh tìm vị trí đặt mộ cố TBT Hà Huy Tập tại quê hương Hà Tĩnh. 100 nén hương trên tay cô Ánh hoá ở nơi nào, thì chỗ ấy sẽ đặt mộ của cố TBT. Sau khi đi lên quả đồi, nhìn về phía trước có khe núi thì bó nhang hoá. Trong đêm tối, bó nhang rực cháy soi rõ mặt từng người. Trước cảnh đó, và để đánh dấu nơi yên nghỉ của cố TBT đã được lựa chọn tôi đưa máy ảnh lên chụp lại".
Ông Tân chụp ảnh, cũng chẳng mấy ai quan tâm vì khi ấy họ Hà còn đang theo dấu của nhà ngoại cảm tìm vị trí đặt nơi yên nghỉ của cố TBT. ông Tân nói: "Về đến khách sạn, tôi mới được cô Ánh cho biết về chuyện này. Nghe thấy vậy, tôi mở máy ảnh ra xem thì thấy có một bức ảnh rõ nét người đàn bà đẹp khi bó nhang hoá". Ông cho chúng tôi xem bức ảnh, chỉ nhìn trực diện người thường ai cũng nhận thấy khuôn mặt, mũi, miệng, gò má, khăn choàng đầu của người đàn bà đang chắp tay. ông Tân phóng to bức ảnh lên, chúng tôi như nhìn thấy cả đồng tử trong mắt của người đàn bà ấy.
Lý giải những hiện tượng này, trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập", nhà vật lý nổi tiếng - GS.VS Đào Vọng Đức cho rằng: "Với các hiện tượng siêu tinh tế thì đòi hỏi vận dụng khái niệm và các hệ tiên đề hoàn toàn mới, có thể rất xa lạ với những điều đã quen thuộc trước đó. Đây là cuộc viễn chinh Khoa học gian nan nhưng đầy hứa hẹn, đòi hỏi sự đóng góp lâu dài công sức và trí tuệ của các ngành khoa học...". Thực tế, không phải tự nhiên mà PGS.TS Hà Vĩnh Tân có được tấm ảnh kỳ lạ đến như vậy. Sau này, ông đã đi đăng ký bản quyền bức ảnh lạ ấy như một minh chứng và cho đến bây giờ, nhà vật lý học Hà Vĩnh Tân vẫn cố tìm cách lý giải thuyết phục bằng các môn khoa học ông đang nghiên cứu.
Theo dấu những chuyến đi thực địa được chỉ dẫn bằng cảm nhận
Trường bắn của Thực dân Pháp xưa kia, nơi cố TBT Hà Huy Tập và những đồng chí lãnh đạo khác bị giặc bắn sau đó chặt đầu bêu thị chúng, trải qua 68 năm, nay không còn dấu tích. Chẳng còn mấy ai biết được bến Tắm Ngựa nơi xử bắn các cụ chính xác nằm ở đâu chứ nói gì đến chuyện người dân địa phương lén trộm xác các nhà cách mạng đem chôn cất ở đâu trong đêm đen mịt mùng.
Vậy nhưng, cùng với sự trợ giúp đắc lực của các nhà ngoại cảm của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), con cháu họ Hà cùng chính quyền và nhân dân địa phương đã tìm được nơi yên nghỉ của cố TBT Hà Huy Tập. Cuộc khai quật, di dời hài cốt của cố TBT đã thành công. Tất cả những người tham gia cuộc hành trình hơn 1 năm ròng đã vỡ oà trong niềm vui sướng.
Những chuyến thực địa
Trò chuyện với phóng viên ĐS &PL, nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh khẳng định chưa bao giờ đến Hóc Môn. Trước đây, cô cũng không biết gì về cố TBT Hà Huy Tập bị giặc bắn tại đâu. "Linh tính mách bảo, công việc tôi làm sẽ thành công, chỉ chưa biết vào thời gian nào. Việc tìm kiếm di hài của cố TBT Hà Huy Tập khác với người thường, chúng tôi chịu nhiều sức ép lắm", cô Ánh khẳng định. Cả ba nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Thuận và Phan Thị Bích Hằng đều có những chuyến vào thực địa độc lập theo một sơ đồ được dự đoán ban đầu đã cho sơ đồ vị trí vùng bến Tắm Mã thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Cô Ánh nhớ lại lần đầu tiên đi thực địa, đường đi mơ hồ lắm. Hôm ấy, theo sự cảm nhận của mình. Cô Ánh nói rằng phải đi thắp hương mộ ông Bảy Già (cố Bí thư xứ uỷ Nam Kỳ Võ Văn Tần). Sáng hôm sau mới đến bến Tắm Ngựa và trên đường đi sẽ có hiện tượng lạ xảy đến. Trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập", ông Hà Huy Lợi ghi lại: "Sau khi tìm đến nghĩa trang Thành phố thắp hương mộ cụ Võ Văn Tần, cả đoàn lên đường đến ngã tư Giếng nước nhìn về hướng tây nam, mặt trời ửng hồng và có lá cờ đuôi nheo trên cành rào giữa ao bay phấp phới. Niềm tin được củng cố hơn, cả đoàn tiếp tục hành trình đến bến Tắm Ngựa".
PGS.TS vật lý Hà Vĩnh Tân - người tham gia đoàn tìm kiếm kể với phóng viên ĐS &PL: "Hôm ấy, khi cô ánh thắp hương, mọi người đứng ở ngoài chỉ thấy cây bàng và đống lốp ô tô. Cô Ánh khẳng định, trong đó có một cây bàng con. Nơi đó chính là mộ phần của cố TBT". Cũng chiều ngày hôm đó, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng đến trường bắn thực địa. Cô Hằng đến trường bắn Ngã ba Giòng thắp hương, tại đây cô chỉ cho mọi người đi về hướng Long An. Chiều muộn, cô quay lại gần khu vực bến Tắm Ngựa ở vị trí bên phải đường theo hướng trường bắn và bảo người họ Hà phát cây cỏ để thắp hương. Trước mâm lễ cô Hằng khấn nguyện và nói, đó là mộ phần của Cố TBT. Trước nhận định của cô Hằng, nhiều người trong họ Hà tỏ ra rất băn khoăn vì cô chỉ vị trí cách xa cô Ánh chừng 80m.
Trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập", ông Hà Huy Lợi có ghi lại: "Trước đấy, nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận nói rằng: Khu mộ của cố TBT người ta đã đổ đất lên. Có dãy hàng rào nhìn ra phần mộ, chứng tỏ nằm trong đất đã có chủ. Gần đó có 3-4 nhà, có một nhà lợp mái nhưng không xây tường giống như nhà kho. Nhà đó có cửa sau, mở ra phía bên phải có thể đi được đến mộ phần của cố TBT, ngay trước nhà có cây cột điện cao. Trên mộ, có một cây nhỏ thân bằng ngón tay cái, tán lá bằng chiếc nón, cây có một cành mọc ngang che đúng phần một của cụ Hà Huy Tập".
Theo ông Tân kể lại, khi vào thực địa lần hai, cô Ánh vẫn chỉ mộ phần ở điểm đã ấn định ban đầu, nhưng cô Hằng lại chỉ xa hơn chỗ cô Ánh xác định thêm 10m nữa. Lần thứ ba thực địa, cô Hằng còn chỉ mộ cách xa cô Ánh thêm 10m nữa. Trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập", ông Hà Huy Lợi ghi rằng: "Chú Thuận thực địa lần hai, điều chỉnh bằng trực giác cho mọi người họ Hà đi qua khu vực đánh dấu. Tôi đi lại thấy người nhộn nhạo, ông Sỹ đi đến tự dưng hai tay xoay tròn vào nhau, còn ông Tân qua đó liền bị vấp ngã. Chú Thuận cho rằng phần mộ ở gần đó. Nghĩa là chỉ cách xa so với vị trí của cô Ánh 1m". Lần cuối đến thực địa, sau khi vào nghĩa trang 18 thôn Vườn trầu thắp nhang rồi tiến đến bến Tắm Ngựa, cô Ánh vẫn khẳng định vị trí mộ phần ban đầu đã xác định. Con cháu họ Hà quyết định khai quật mộ phần cố TBT theo cột mốc đánh dấu của cô Ánh.
Cảm nhận chỉ đường
Ông Hà Vĩnh Tân nói: "Trước đó, nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận có cho thấy rằng trong mộ phần của cố TBT vẫn còn một chút xương ống chân. Có một thanh tre hay thanh sắt đè từ trên xuống dưới. Còn cô Hằng thì cho biết, khi chôn cất, cố TBT có ván như hòm gỗ, nhưng ván đã mục". Cảm nhận của cô Ánh về những gì ở trong mộ của cố TBT được ông Hà Huy Lợi ghi lại như sau: "Từ đất nguyên thổ xuống khoảng 80cm - 1m, tôi nhìn thấy một vật gì giống như sắt mà không phải là sắt nằm ở cổ nối với thân. Còn răng hàm và một chút xương ống, một chút xương sườn và mấy mảnh sọ nhỏ. Tôi khẳng định đó là hài cốt chúng ta đang tìm". Cô cũng cho biết thêm xung quanh đó có mấy người, nhưng họ Hà chỉ tìm mộ của cố TBT chứ không phải đi tìm mộ tập thể.
Sau này khi thống nhất để khai quật mộ phần cố TBT, con cháu họ Hà vô cùng kinh ngạc vì tất cả những gì cô Ánh nói đều đúng nguyên như vậy. Đêm khai quật mộ phần, mọi người họ Hà đều răm rắp tuân theo sự chỉ huy của cô Ánh. Trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập", ông Hà Huy Lợi có viết: "Cô Ánh ngồi trên phiến đá, cách mộ khoảng 20m, trời tối đen, chỉ khu mộ thắp đèn vậy nhưng hễ ai nhận những gì còn lại của cố TBT là cô đọc ra hết, nào xương đùi, xương ống tay, xương sườn hay mảnh sọ và bảo mang lên. Đến khi ông Hà Văn Sỹ nhặt được một vật đen đen, to như ngón chân cái, dài khoảng 10 cm có người định mang đi rửa thì cô nói, đó là khúc tre nối đầu cố TBT cứ mang lên không phải rửa".
Khi trò chuyện với cô Ánh, tôi có thắc mắc, có trường hợp nào sau khi khai quật mộ phần, gia đình có điều gì băn khoăn không? Cô Ánh cho rằng, khi mọi điều diễn ra trên thực tế ứng nghiệm với những cảm nhận trước đó khiến người ta tin tưởng lắm rồi. Việc không tin là điều tối kỵ. Rồi cô kể: "Có lần tôi tìm mộ một liệt sỹ quê ở Ninh Bình. Tất cả đã rõ ràng, nhưng gia đình vẫn thử tiến hành giám định ADN. Kết quả giám định không trùng hợp. Gia đình băn khoăn lắm, và nhiều chuyện không hay xảy ra liên tục trong nhiều tháng trời. Về sau, sau khi làm một số thủ tục cần thiết, gia đình đem giám định ADN lại thì kết quả cho thấy đúng".
Còn đối với hành trình tìm kiếm di hài của cố TBT Hà Huy Tập, cuộc khai quật kỳ diệu và gian nan này ứng nghiệm với sự dự báo của các nhà ngoại cảm trong suốt quá trình khiến con cháu họ Hà có một niềm tin tuyệt đối vào thành công, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ. PGS.TS Hà Vĩnh Tân, một nhà khoa học vật lý tham gia đoàn tìm kiếm sau này có trao đổi với chúng tôi khẳng định: "Tôi cũng không thể nào lý giải được vì sao các nhà ngoại cảm lại cảm nhận rõ mọi thứ đến thế. Điều đó chỉ nhờ vào một dạng năng lượng đặc biệt và cảm nhận bằng các trường Vong - theo lý giải của GV.VS Đào Vọng Đức" (Trong lời tựa cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập", nhà Vật lý học nổi tiếng - GS Viện sĩ Đào Vọng Đức lý giải cụ thể như sau: "Một phương hướng - nghiên cứu sâu sắc nhất và có tầm quan trọng đặc biệt của Vật lý hiện đại là xây dựng Lý thuyết Đại thống nhất - thống nhất các dạng tương tác - các dạng năng lượng trên cùng một nền tảng. Các kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng ngoài ba chiều không gian như ta đang sống và cảm nhận nhất thiết phải có sáu chiều không gian phụ trội. Điều đặc biệt trong Lý thuyết Đại thống nhất này nhất thiết phải tồn tại các trường "Vong". Các trường "Vong" giữ vai trò chủ chốt trong các cấu trúc, có tác dụng chỉ đạo chi phối các cơ chế tương tác nhưng không hề xuất hiện một cách tường minh trong thực tế" -TS). Thực tế, với 2m đất phủ bì và 1m đất nguyên thổ thì có đến máy móc hiện đại cũng không soi rọi được bên trong có gì. Nhưng ở đây chỉ bằng cảm nhận, cô ánh đã gọi đúng, nhìn thấy rõ những gì ẩn sâu dưới lòng đất. Có lẽ, sự tri ân và tấm lòng thành kính đối với người chiến sĩ Cách mạng kiên trung Hà Huy Tập, niềm tin và sự quyết tâm không quản ngại khó khăn gian khổ của những người tham gia đoàn tìm kiếm đã làm nên cơ duyên cảm động để cuộc hành trình gian nan tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập thành công tốt đẹp.
Mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Nơi an nghỉ ngàn thu - trời xây mộ
Một tuần sau khi di hài của cố TBT Hà Huy Tập được đưa về an nghỉ tại quê nhà Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, khu di tích đã có quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập ban quản lý di tích. Tuy nhiên, việc đặt mộ phần của cố TBT ở đâu, sau khi di dời từ Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) về đã được con cháu họ Hà xin ý kiến của địa phương trước đó. Và chuyện đặt mộ phần, nơi ngàn thu yên nghỉ của cố TBT cũng đã được dự báo trước. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay một cơ duyên nào đó mà di hài của cố TBT được đặt trên mộĐịa linh
Trò chuyện với phóng viên ĐS &PL, PSG.TS vật lý Hà Vĩnh Tân, GĐ Trung tâm Công nghệ môi trường, (Viện Vật lý) Uỷ viên HĐKH Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho biết: Từ cuối tháng 9/2009, trong khi đi tìm kiếm di hài của cố TBT thì con cháu họ Hà đã tính đến việc thấy hài cốt thì đưa về an nghỉ gần bên thân phụ, thân mẫu. Tuy nhiên, theo dự báo của nhà ngoại cảm được ông Hà Huy Lợi ghi lại trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập" thì: "Nơi đặt mộ là đỉnh đồi, sau này bắc cái cầu để người dân đến thắp hương đi vào nơi hai cụ thân sinh trước, sau đó mới đến nơi cố TBT an nghỉ. Mộ của cố TBT phải đặt ở vị trí thích hợp, "địa linh nhân kiệt". Phía Đông Nam là trục đường thiên lý. Phía Tây là dãy Hoành Sơn. Phía Nam là núi Rác và dãy đồi. Phía Đông là Cửa Nhượng. Cửa Nhượng là nơi nước của sông Họ và sông Rác chảy ra, còn phía Bắc giáp với Thạch Hà. Được vùng đất ấy là địa linh".
Cũng theo nhà vật lý Hà Vĩnh Tân kể lại: "Hôm ấy đoàn đi đến vị trí đặt mộ cố TBT có 15 người. Chỉ có 5 người theo sát được nhà ngoại cảm Trần Ngọc ánh gồm có Hà Huy Lợi, Hà Văn Sỹ, Hà Vĩnh Tân, cô Hà (thư ký của đoàn tìm kiếm) và GS.Viện sĩ vật lý Đào Vọng Đức. Còn lại 10 người trong đó có cán bộ của Ban tổ chức Tỉnh uỷ, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch huyện, Phó chủ tịch huyện Cẩm Xuyên và một số người khác đi sau 20m. Đi đến gần cuối đường nghĩa trang Đồng Lem, cô Ánh đi rất nhanh trong khi cô đi dép lê, đường toàn sỏi rất khó bước. Mọi người phải vất vả để theo cô. Đến chân đồi cô dừng lại chờ. ông Hà Văn Sỹ đốt bó nhang 100 nén chạy theo cô Ánh lên đỉnh đồi. Cô Ánh khẳng định: đây là chỗ xây mộ. Mọi người đã lấy cọc đóng dấu vị trí cô Ánh chỉ".
Có được vị trí đặt mộ phần tại quê nhà nhưng con cháu họ Hà vẫn còn băn khoăn không biết phải xây đế hay trải cát? Nhưng cũng thật lạ, tất cả như được định sẵn. Trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập", ông Lợi ghi lại: Điều kỳ diệu đã xảy ra. Đúng ngày khai quật mộ cố TBT ở Bến Tắm Ngựa (Hóc Môn - TP. Hồ Chí Minh) thì ở quê hương Cẩm Xuyên cũng động thổ xây mộ chờ hài cốt cố TBT về an táng. ông Hà Vĩnh Tân (PGS.TS vật lý Hà Vĩnh Tân - người tham gia đoàn tìm kiếm - TS) ở khu xây mộ cho biết: Đào qua một lớp đất thì thấy một tảng đá lớn không thể đào sâu hơn nữa. ông Tân bảo đúng là kỳ lạ. Trời đã đặt sẵn tảng đá lớn đó rồi".
Cũng theo PGS - TS Hà Vĩnh Tân kể lại: "Khi đánh dấu nơi yên nghỉ của cố TBT, cô ánh đã nói việc chỉ địa điểm này được thực hiện công khai trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Mộ phần được xác định trên đỉnh đồi Đồng Lem khiến nhiều người băn khoăn, bởi mộ phần của thân phụ, thân mẫu của cố TBT lại nằm dưới chân đồi". Ghi lại hành trình tìm nơi đặt mộ phần của cố TBT tại quê nhà, trong cuốn "Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập", ông Hà Huy Lợi viết: "Đánh dấu xong vị trí, cháu Hà Huy Dũng băn khoăn có hỏi: "Hai cụ thân sinh ra cố TBT nằm ở dưới, nay để mộ cố TBT lên trên có ảnh hưởng gì không ạ? " thì được giải thích: "Mộ cố TBT phải được đặt ở vị trí thích hợp để có lợi cho dân cho nước".
Trao đổi với phóng viên Đ &PL, PGS.TS Hà Vĩnh Tân cho biết: "Hôm đánh dấu vị trí đặt nơi yên nghỉ ngàn thu của cố TBT Hà Huy Tập, chính nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh cũng đã dự báo: "Sau này, khi đưa cố TBT về sẽ có người đến dự tang lễ và thắc mắc sao mộ con lại đặt trên mộ cha mẹ? ". ông Tân nói: "Tôi cứ lặng im theo dõi những gì cô Ánh nói, quả nhiên, trong khi đưa hài cốt cố TBT về nơi yên nghỉ tại quê nhà, vừa vào đến nơi, tham dự lễ tang đã có một cán bộ Trung ương hỏi luôn, đặt mộ thế có ổn không? Họ Hà có giải thích việc đặt mộ ấy, và sẽ xây cây cầu để sau này người dân đến sẽ vào viếng bố mẹ trước sau mới lên viếng mộ cố TBT. Đồng chí này cho là được".
Trong suốt hành trình đi tìm hài cốt cố TBT, những cảm nhận của nhà ngoại cảm đều đúng. Con cháu họ Hà tin theo mà không thể lý giải nổi. Có lẽ, vì tất cả đều bày tỏ sự tôn kính đối với cố TBT Hà Huy Tập, người chiến sỹ cách mạng kiên trung nên mọi khó khăn trong hành trình đều được hoá giải. Sự cảm nhận, hay sự trùng hợp ngẫu nhiên đều mang đến một kết quả chung, đó là sự thành công trong hành trình tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập.
Chuyện ghi ở nơi tưởng niệm
Sau 68 năm lưu lạc, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đã được về quê an táng tại đồi Đồng Lem. Mảnh đất linh thiêng ấy với khu nhà tưởng niệm cố TBT nay càng linh thiêng, níu chân nhiều du khách trong và ngoài nước hơn khi hài cốt của cố TBT Hà Huy Tập đã được tìm thấy và đưa về, cách khu lưu niệm gần 3km, giữa bạt ngàn cây xanh quanh năm vi vu gió hát, phía trước là phần mộ của hai cụ thân sinh. Mộ nhìn về hướng Đông, có địa hình phong thuỷ rất chuẩn, cảnh sắc thiên nhiên đẹp, đứng ở đây có thể quan sát cả một vùng rộng lớn của huyện Cẩm Xuyên.
Để nơi đây ngày càng xứng đáng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống và ý thức cách mạng cho thế hệ trẻ, là điểm đến du lịch di tích cách mạng, ngày 8/12/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định thành lập Ban quản lý khu di tích Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Những người con cháu họ Hà ở Hà Tĩnh luôn tự hào là người gần gũi, ruột thịt với cố TBT. Trong lần trò chuyện về cố TBT với phóng viên ĐS &PL, PGS.TS Hà Văn Tân còn nhắc lại chuyện ông Hà Huy Đỏ, hơn 90 tuổi (gọi cố Tổng bí thư Hà Huy Tập là anh con dì), người có thời gian trông giữ khu tưởng niệm đã kể câu chuyện cảm động về ngày ra đi mãi mãi của cố TBT: "ông Đỏ kể, ngày 30/3/1940 dân làng Kim Nặc bất ngờ thấy chiếc xe chở quan huyện Cẩm Xuyên Đặng Hiểu An cùng ba lính Pháp đậu trước cổng nhà dì ruột tôi là bà Nguyễn Thị Lộc (mẹ ông Hà Huy Tập). Lúc đó anh Tập đang đọc sách thì nghe một lính Pháp nói: "ông bị bắt lại". Anh Tập nói ngay: "Tôi biết". Chúng sai người thợ mộc đang sửa nhà cho dì Lộc cạy cả bộ hậu sự ra để khám xét. Khi thấy bàn tay người thợ mộc do cạy hậu sự bị chảy máu, anh Tập nhìn người thợ mộc nói: "Lỗi tại tôi". Thế rồi chúng áp giải anh đi. Hôm ấy anh mặc áo sơmi trắng cộc tay, quần soóc trắng. Trước khi ra khỏi làng, anh đưa tay vẫy dân làng: "Chào bà con ở lại, tôi đi lần này chắc không về nữa đâu". ông Tân bảo: Hình ảnh ấy cứ ám ảnh cụ Hà Huy Đỏ, bởi vậy đã tuổi cao nhưng từ trước đến nay ai đến khu tưởng niệm hỏi chuyện về cố TBT cụ lại kể câu chuyện đó, và với cụ, câu chuyện dường như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua thôi.
Tất cả những gì liên quan đến cố TBT Hà Huy Tập, đã và đang được Ban quản lý di tích và con cháu họ Hà sưu tầm, bổ sung tài liệu hiện vật. Những người nơi quê hương cố TBT mong muốn gắn kết và phát huy hiệu quả khu di tích với một quần thể di tích lịch sử trong vùng như Miếu Nặc, Miếu Bà Chúa Sơn, Chùa Kim Nặc và đặc biệt là Động Choác - nơi tướng Nguyễn Biên lập căn cứ sau đó hợp quân với Lê Lợi để chống giặc Minh; Miếu Cồn Thờ là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên... thành địa điểm du lịch với phong cảnh đẹp, nơi in dấu ấn cách mạng và tưởng nhớ đến cố TBT Hà Huy Tập, người chiến sỹ cách mạng kiên trung một đời phấn đấu vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Phóng sự của Vương Hà - Thành Vương
(Ngân Hà tổng hợp theo nguồn Đời sống & Pháp luật)
(Ngân Hà tổng hợp theo nguồn Đời sống & Pháp luật)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen