Samstag, 17. März 2012

Phóng sự - Ký sự










Truyền thuyết về bộ tộc Đan Lai

Đã gần 400 năm trôi qua người Đan Lai sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Và vì cuộc sống của họ như những tiều phu du thực nên tất cả phải phù hợp với thiên nhiên để tồn tại. Những ngôi nhà sàn vách nứa không giường, không bàn, không màn, không chiếu...
Từ đập tràn Phà Lài cạnh Đồn Biên phòng 555, chúng tôi ngược dòng sông Giăng đến với bà con dân tộc Đan Lai sống ở độ cao 1.365m so với mực nước biển, trong đại ngàn nguyên sinh, Vườn quốc gia Pù Mát giáp biên giới Việt - Lào, ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Sống biệt lập giữa đại ngàn nguyên sinh đã gần 400 năm, chủ yếu săn bắt hái lượm ở chốn sơn cùng thủy tận!...
Sự tích 100 cây nứa vàng và thuyền chèo liền mái
Vào một đêm tối mịt mù, cả dòng họ bị áp bức đã gồng gánh nhau chạy trốn, chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn dòng sông Giăng sống lẩn trốn trong đại ngàn nguyên sinh hàng trăm năm và một bộ tộc mới ra đời trong bi thương, cùng cực. Sử sách còn ghi lại rằng, sau cuộc phân tranh Lê-Mạc (1533-1592), ở vùng Nghệ Tĩnh các vương triều phong kiến tập quyền đã biến thành lãnh địa tranh chấp quyền lực đẩy thần dân triều Lê Trung Hưng vào cuộc hỗn chiến, biến thần dân thành nạn nhân của hỗn chiến phu phen tạp dịch tô tức cực hình. Lúc này ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) có một tên bạo chúa nổi tiếng tàn ác bắt dòng họ La phải tìm cho ra "100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái", nếu không sẽ thảm sát cả họ.
Dưới vòm trời này làm gì có cây nứa bằng vàng, con thuyền liền mái? Thế là trong đêm tối mịt mùng, cả làng họ La  gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - một bộ tộc mới ra đời từ đây...
Trong ngôi nhà sàn nằm ẩn mình bên vách núi như chính cuộc sống của họ bao đời nay vẫn thế, Trưởng bản La Văn Đường kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của tộc người bi thương giữa đại ngàn: "Theo như ta biết thì từ "Đan" là do từ Đan Nhiệm, tên làng ngày xưa tổ tiên ta cư ngụ dưới xuôi, còn từ "Lai" là bởi bao thế hệ người Đan Lai chung sống với nhiều cộng đồng các dân tộc khác để che giấu thân phận nên có nhiều nét sống, sinh hoạt bị lai tạp…".
Để sinh tồn, người Đan Lai lại phải vượt ghềnh thác mưu sinh,  người lên rừng chặt nứa, kẻ hái măng về bán cho lái thương. Trẻ em lại không biết đến lớp, trường ngâm mình trong những con khe, con suối. Chán nản, thì giờ rỗi rãi nhiều, họ lại cùng nhau say thâu đêm suốt sáng. Và, tộc người Đan Lai cứ thể luẩn quẩn trong một vòng xoáy không lối thoát.
Nhằm ổn định và bảo tồn nòi giống người Đan Lai, năm 2002 tỉnh Nghệ An đã lập dự án định canh, định cư cho người Đan Lai ở hai bản Cửa Rào và Tân Sơn thuộc xã Môn Sơn. Nhưng đến nay cuộc sống của người Đan Lai vẫn chưa ổn định nhiều người được tái định cư đã bỏ làng quay trở vào bản cũ để sống săn bắt hái lượm.

Bản Cò Phạt nằm khép mình giữa đại ngàn.
Ngủ ngồi, đẻ ngồi và cuộc đời du thực
Đã gần 400 năm trôi qua người Đan Lai sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Và vì cuộc sống của họ như những tiều phu du thực nên tất cả phải phù hợp với thiên nhiên để tồn tại. Những ngôi nhà sàn vách nứa không giường, không bàn, không màn, không chiếu, duy chỉ có bếp lửa thức cháy thâu đêm là những gì họ đã sống hàng trăm năm nay.
Trưởng bản La Văn Đường cho biết: "ngàn đời có ai sắm giường nằm đâu mà nằm", rồi với tay lấy thanh củi đen bóng gác trên chạn bếp đầy bồ hóng, rồi chống hai tay vào phía đầu thanh củi tì sát vào trán để ngồi ngủ cho chúng tôi xem. Khi hỏi vì sao lại ngủ ngồi, Trưởng bản La Văn Đường giải thích: "Ngày xưa con khái (hổ) nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào nên mới sinh ra ngủ ngồi. Ngủ ngồi là để có thế vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu...". Ngủ ngồi cũng có nhiều kiểu. Ngồi đưa hai bàn tay nắm lại đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm ngàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi, hoặc hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán cũng ngủ được. 
Ngoài ngủ ngồi, người Đan Lai còn có tục ngủ trên cây. Mỗi khi vào rừng săn thú hoặc đào củ mài củ sắn muộn quá không về được thì họ leo lên cây lội lớn dùng những que củi lớn bắc kê thành lán rồi ngủ ngồi để đối phó với thú dữ. Nhưng độc đáo nhất vẫn là tục đẻ ngồi. Khi người phụ nữ mang thai gần đẻ mà không có ai ở nhà thì họ ngồi vào một góc nhà và đẻ rồi tự đỡ đẻ luôn. Sau khi đẻ xong thì họ cắt rốn rồi tắm cho đứa trẻ và ngày hôm sau họ lại lên nương rẫy. Cuộc sống cứ thế trôi cho đến hôm nay.
Ngày nay những người trẻ thì không ngủ ngồi nhưng những người già thì vẫn ngủ ngồi, còn đẻ ngồi thì vẫn thế, họ đẻ bất cứ nơi nào kể cả ngoài ruộng hay trên nương rẫy. Mà ở đây không phải họ đẻ ít mà nhà nhiều là 13 người con còn 7-9 con thì rất nhiều...

Hoàng Tùng
------------------------------------------------------

Chuyện hai cụ già ăn… đất(?)

Trong những ngày vất vả lang thang tìm người ăn đất ở thị trấn Lập Thạch (Vĩnh Phúc), tôi đã gặp một cặp vợ chồng, là hai cụ già gần 80 tuổi, sống trong ngôi nhà toàn bằng đất và món ăn hàng ngày của hai cụ là… đất. Hai cụ ăn đất nhiều đến nỗi, đã đục ruỗng cả bờ ao. Cả huyện Lập Thạch, đã nhiều năm nay, không còn ai ăn đất nữa, chỉ có hai cụ, vẫn nghiện đất như nghiện... ma túy


Cụ Loa nướng đất
Cụ Loa nướng đất
 
 

Mấy năm trước, truyền hình, báo chí đưa tin ầm ĩ về chuyện ăn đất ở thị trấn Lập Thạch, khiến cả thế giới ngạc nhiên. Tuy nhiên, lần này trở lại, tôi được ông Nguyễn Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch cung cấp thông tin: “Ngày trước báo chí, truyền hình dựng cảnh một vài cụ già ăn đất rồi quay, rồi chụp, rồi gây dư luận ầm ĩ, chứ thực ra, các cụ đã ngừng ăn đất 20 đến 30 năm nay rồi. Chả còn ai ăn đất nữa đâu”. Mặc dù tin lời ông Tuấn, song tôi trộm nghĩ, 20 năm trước, nơi đây có rất nhiều bà, nhiều chị ăn đất, đất ăn được bày bán như mớ rau mớ cá ngoài chợ, thì dù tục ăn đất có mai một, cũng chưa thể hết ngay được. Do đó, tôi quyết định đi tìm cho bằng được một cụ già ăn đất ở xứ này.
Những người trẻ thì không biết gì về tục ăn đất, thậm chí, hỏi chuyện ăn đất, thanh niên còn tròn mắt ngạc nhiên, cứ như chuyện đó chỉ có ở thế giới khác, chứ không phải ở quanh họ. Chỉ có người lớn tuổi vẫn biết có tục ăn đất ở Lập Thạch. Tuy nhiên, hỏi còn ai ăn đất không, họ đều lắc đầu không biết. Các cụ già nghiện đất phần thì đã cai từ vài chục năm nay, phần thì đã… về với đất cả rồi. Cụ Nguyễn Thị Lạc, người được lên báo chí, truyền hình nhiều, cũng đã mất 3 năm trước, cụ Huệ nổi tiếng nghiện đất đã mất tròn 10 năm…
Người dân chỉ tôi 3 ngọn đồi mà các cụ già ở Lập Thạch đào đất ăn từ hàng trăm năm nay, gồm đồi Công An (sở dĩ có tên gọi như vậy vì nó nằm sau Công an huyện Lập Thạch), đồi Bò Vàng và đồi Vạng. Chỉ có 3 quả đồi này cho đất dày nhất, “ngon nhất”, “ngậy nhất”. Nơi khác cũng có đất ăn được, nhưng lẫn tạp chất, nhiều sạn, khó ăn. Tuy nhiên, đồi Công An đã bị san phẳng, nhà cửa mọc lên kín mít. Đồi Bò Vàng, nơi mà mấy chục năm trước, mỗi nhà trong xóm sở hữu một giếng đất sâu như hầm vàng, giờ cũng không còn cái giếng nào nữa. Người ta đã lấp lại kẻo trâu bò, thậm chí người qua lại sụt xuống hố chết bất đắc kỳ tử.
Vòng vèo mãi, rồi tôi cũng tìm thấy đồi Vạng, ở xóm Thống Nhất, trồi lên giữa cánh đồng. Mảnh đất đá sỏi gan trâu khô cằn đến nỗi bạch đàn còn xơ xác. Ông Đỗ Văn Bình, trưởng thôn Thống Nhất, nhà ở cánh đồi Vạng một đoạn bảo: “Ngày trước, cả thôn Thống Nhất đào hầm, đào giếng ở đồi Vạng lấy đất ăn, đem bán. Nhưng giờ không ai lấy nữa. Khu đồi giờ thuộc sở hữu của cụ Loa. Không biết hai cụ còn đào đất, còn ăn đất nữa không. Nhưng hôm trước nghe vợ tôi kể, gặp cụ Biện, vợ cụ Loa ở chợ, thấy mép dính đất. Chắc cụ này vẫn còn ăn”. Nói rồi, ông Bình dẫn tôi tìm đến nhà cụ Loa.
Ngôi nhà của hai cụ có tuổi độ vài chục năm, nhưng kiểu cách của nó thì chắc cỡ mấy ngàn năm rồi! Hai cụ vẫn sống trong ngôi nhà tường trình đất, loại nhà phổ biến từ thời… Đông Sơn. Ông Bình bảo, con cháu hai cụ đều khá giả, có điều kiện, nhưng hai cụ nhất định không ở cùng, cứ ở với nhau trong căn nhà đất xập xệ. Thậm chí, đã mấy lần lãnh đạo thị trấn động viên cụ phá nhà đất, rồi các cơ quan hỗ trợ xây cho cụ một ngôi nhà nhỏ, chắc chắn, song cụ cũng không đồng ý. Hai cụ bảo, hai cụ đã già, sắp chết rồi, xây nhà làm gì cho phí, tiền đó đem xây cho người khác.
Khi tôi vào nhà, cụ Khổng Thị Biện đang lọ mọ trong bếp, khói mù mịt, nóng hầm hập. Hỏi cụ đang làm gì, cụ Biện ngẩng lên, tay quệt mắt nhòe nhoẹt nước vì ám khói bảo: “Bà đang nướng ngói (các cụ gọi loại đất ăn được bằng cái tên lịch sự là ngói). Hôm qua ông bà ăn hết rồi, nay nướng thêm để ăn. Ông bà nghiện cái món này rồi, ai bỏ được chứ ông bà thì không bỏ được, chết mới hết ăn”. Tôi hỏi cụ Loa, cụ Biện ra sân chỉ tay về phía cái ao trước nhà. Tôi thấy một già, một trẻ đang lõm bõm dưới nước. Cái ao dưới chân đồi sâu hoắm, nhưng nước cạn sền sệt, chưa đến đầu gối. Đứa cháu dùng xà beng đâm bồm bộp vào bờ ao, nạy ra từng “tảng đá” trắng như vôi. Thằng cháu cứ nạy được “cục đá” nào, cụ Loa lại lòng khòng bê lên sân phơi, dưới cái nắng bỏng giãy. Tôi hỏi: “Cụ đào đá làm gì vậy?”. Cụ Loa bảo: “Đá là đá thế nào. Ông đào đất đấy. Đất này ăn được. Không tin hả? Ông bà ăn ruỗng cái bờ ao này rồi!”.
Cụ Khổng Văn Loa khệ nệ đặt cục đất lên sân phơi nắng rồi nói như súng liên thanh: “Ngày trước ông bà đào giếng ở đồi Vạng lấy đất chế biến, vừa ăn, vừa bán, nhưng giờ không ai ăn nữa, cũng chẳng ai mua, nên lấp hết giếng rồi. Con cái cấm ông bà ăn ngói, nhưng ông bà thèm lắm, cứ ăn giấu ăn giếm thôi. Hồi năm ngoái, mấy đứa con thuê máy xúc về khơi ao, ông thấy vỉa đất trắng lộ ra, nhìn thèm quá, không nhịn được, ông bà lại đào lên ăn. Mới hơn năm nay, ông bà đã xơi hết một góc bờ ao rồi”.
Vợ chồng cụ Loa đang xơi đất

Để chứng minh đất này ăn được, ngon là đằng khác, cụ Khổng Văn Loa lấy một cục đất to như cục gạch, đã phơi nắng từ hai hôm nay. Cụ dùng con dao rựa sắc, nhằm thớ đất nạy ra thành từng miếng nhỏ. Nạy không ra thì cụ chém, bổ theo thớ. Cả khối đất gồm những miếng nhỏ độ vài ngón tay, bằng bao thuốc lá dính chặt vào nhau. Nạy ra từng miếng rồi, cụ Loa kỳ công đẽo gọt hết phần sạn (đất đen, tạp chất bám dính), chỉ lấy phần lõi trắng xóa như cục phấn, như miếng ruột sắn, ruột khoai lang.
Theo cụ Loa, có hai cách chế biến đất khá đơn giản. Cách thứ nhất, cho đất vào rổ, đặt lên bếp kiềng rồi châm lửa vào rơm… ẩm. Sau khi rơm cháy một cách khó nhọc, thì lấy tro lấp lên lửa để tạo khói. Khói mù mịt bốc lên, quyện lấy những cục đất trong rổ độ 30 phút đến một tiếng đồng hồ, khi cục đất trắng xóa chuyển sang màu ám khói vàng nhạt, thì ăn được. Chỉ cần hun khói một lần, có thể gói đất vào giấy báo, túi nilon ăn quanh năm suốt tháng. Thứ đất kỳ lạ này có tác dụng giữ mùi ám khói rất tốt và đặc biệt chính cái mùi ám khói đó đã tạo nên sự quyến rũ của đất. Vợ chồng cụ Loa và cụ Biện thường chỉ chế biến đất ăn bằng cách đơn giản như vậy. Còn cách chế biến thứ 2, phức tạp hơn chút, nhưng đã thành nghệ thuật “ẩm thực đất” từ xưa ở vùng Lập Thạch. Sau khi tạo nguyên liệu đất, người ta đi bẻ cành tế và hái lá sim trên đồi, rồi vặt lá ổi trong vườn. Cành tế thì khô, nhưng lá sim và lá ổi đều phải tươi nguyên, còn rỏ nhựa. Lá ổi và lá sim được rải xuống đáy rổ hoặc rá, đất xếp lên, rồi lại phủ tiếp lớp lá ổi và lá sim. Củi tế đốt không bắt lửa, nhưng cho nhiều khói. Khói quẩn lên rổ, quyện vào lá sim, lá ổi, bốc ra thứ mùi đặc trưng, rồi bị đất hút vào. Hun khói như vậy chừng một giờ thì đất ngả màu vàng và thơm nức, nhìn chỉ muốn cắn.
Vợ chồng cụ Loa thi thoảng cũng làm món đất kiểu cầu kỳ như thế, nhưng chỉ làm cho người đặt mua. Nhưng người mua đất về ăn hầu như không còn nữa, người mua chủ yếu là người tò mò, mua về làm kỷ niệm, số ít nhà khoa học đặt cụ làm món đất để nghiên cứu. Hai cụ già đào bới xới tung cả bờ ao, rồi phơi đất kín sân, cạo đất cành cạnh, rồi đốt lửa lấy khói hun đất suốt mấy ngày trời mới làm được chừng một yến đất ăn, bán được một hai trăm ngàn. Nhưng theo hai cụ, càng ngày càng ít người mua đất. Cả năm may ra có vài người đến hỏi.
Cụ Khổng Văn Loa năm nay 78 tuổi, vợ là cụ Khổng Thị Biện, 79 tuổi. Hai cụ quê gốc ở Cao Phong, bên kia sông Lô, thuộc Phú Thọ. Hai cụ biết đến món đất này từ nhỏ, vì bố mẹ, ông bà thường đi bộ hơn 20 cây số sang mãi vùng Lập Thạch mua về ăn. Bố cụ đi cày, thường dắt lưng chiếc điếu cày, ấm trà xanh và gói đất. Cày cuốc mệt, nhấp chén trà, rít điếu thuốc lào, rồi nhai miếng đất là tỉnh cả người, làm việc không biết mệt. Theo cụ Loa, tục ăn đất có từ bao giờ, cha ông cụ cũng không rõ, nhưng từ năm 1945 thì ăn nhiều hơn, khắp nơi ăn. Có thể do trận đói, người dân ăn đất cho quên đói, rồi bị nghiện luôn. Còn cụ Biện thì bảo, khi người đàn bà có bầu, trong người nóng nực, khó chịu, ăn miếng đất, vừa bùi ngậy lại mát ruột, cơ thể sảng khoái hẳn ra. Đẻ xong rồi, vẫn nhớ mùi vị của đất, nên cứ ăn mãi, rồi nghiện đến già. Có lẽ, thứ đất chứa nhiều canxi này có tác dụng tốt với cơ thể bà chửa, nên chủ yếu đàn bà ăn đất, ít có đàn ông nghiện món này.
Cụ Loa bảo, không biết có phải duyên nợ với đất không, mà cách đây 50 năm, vợ chồng cụ đi khai hoang, lại định cư trên đúng kho đất ăn được, đó là đồi Vạng. Ngày đó, dân khắp Lập Thạch kéo về đồi Vạng, đòi Bò Vàng, đồi Công An để đào giếng khai thác đất ăn. Cụ Loa dẫn tôi lên đồi Vạng, cũng như những quả đồi khác, toàn đá sỏi gan trâu, chỉ có bạch đàn sống được. Trên khắp quả đồi rộng vài ha này, đâu đâu cũng thấy di tích của giếng đất. Mỗi miệng giếng có đường kính trên dưới một mét, sâu xuống lòng đất thì vô kể. Khi đào xuống đến độ sâu nhất định, hết vỉa đất, thiếu dưỡng khí, hoặc gặp nước, thì người ta lại đào các ngách theo đường ngang. Các ngách chạy lung tung trong lòng đồi, xuyên thủng nhau, tạo thành một hệ thống hang động chằng chịt dưới lòng đất. Ngày đó, dựng nhà trên đồi Vạng, đúng mỏ đất, nên hai cụ sống khá giả bằng nghề chế biến đất ăn. Hàng ngày, cụ Loa xuống lòng đất tìm đất trắng như công nhân ngành than khai mỏ, rồi hai vợ chồng xì xụp nướng đất cả đêm, để sớm mai cụ Biện có mẹt đất to tướng bày bán ở chợ. Cái mẹt đất ấy đã nuôi mấy người con trưởng thành. Tuy nhiên, giờ trên đồi Vạng không còn giếng đất nào nữa, chỉ còn lại di tích nông choèn. Con cháu hai cụ đã lấp hết giếng đất, vì sợ cụ trèo xuống, nhỡ sẩy chân ngã thì khổ, rồi trẻ con nghịch ngợm, trâu bò sa chân rơi xuống thì chỉ có chết.
Đang lang thang giữa trưa nắng trên đồi Vạng để nhớ lại những ngày nhà nhà đào đất, người người ăn đất, thì cụ Biện gọi lớn. Tôi và cụ Loa tìm về ngôi nhà trình đất ngay sườn đồi. Rổ đất trắng tinh sau khi hun khói đã chuyển sang màu hơi ngà. Hai cụ ngồi trên giường, cứ mỗi người một miếng, nhai sần sật, sồn sột. Bột từ miếng đất tan ra, dính trắng môi mép hai cụ. Vừa nhai, cụ Biện vừa bảo, bùi như hạt mít, béo ngậy như miếng gan lợn nướng, càng ăn càng ngon, càng ăn càng nghiện, nghiện đến rụng răng, đến khi về với đất mới thôi. Nhìn hai cụ già ngồi nhai đất, giữa ngôi nhà tường trình đất, tôi có cảm giác như tổ tiên, ông bà mình từ thuở hồng hoang hiện về từ mãi thời các vua Hùng dựng nước, khi mà đất được coi trọng lắm, đến đám cưới đám hỏi cũng phải “lấy gói đất làm đầu”. Một cảm xúc như ở đâu xa lắm tràn đến, và tôi đã nhặt một miếng đất, hồn nhiên sồn sột nhai cùng hai cụ.
Ở Việt Nam, đặc biệt là trên Tây Bắc cũng có nhiều vùng người dân lấy đất đem về nướng ăn và coi đó như là một thứ “lương thực”. Thậm chí họ còn ngâm nước cho nhão ra thành bùn, trộn thêm mì chính, muối, ớt… nướng vàng lên và ăn kèm… cơm. Năm 2006, trong chuyến đi lên xã Xìn Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Chúng tôi đã thấy một số “mỏ đất thực phẩm” ven đường mòn. Đó là loại đất trắng bạc như đất sét, nhưng có thớ nghiêng. Nhà báo Nguyễn Như Phong đã ăn thử và thấy… nhàn nhạt, có mùi ngai ngái và hơi tanh. Khi trợn mắt nuốt được một miếng to bằng ngón tay thì ông lắc đầu: “Khó sực quá”.
------------------------------------------------------------------

 

Đồn thổi kỳ bí về người giống… Bụt

Một hôm, đang chơi trong chùa, cậu bé Lai đã trèo lên xoa vào đầu bức tượng rồi nói: "Đẹp trai nhỉ, giá như sau này mình đẻ được người con thế này thì tốt”. Như có quả báo, câu nói đùa hồi trẻ con lại trở thành hiện thực vận vào hai đứa con của ông sau này?



Nguyễn Văn Vũ.
Nguyễn Văn Vũ
 
 
Ở thôn Văn Cao (xã Hữu Bằng, Kiến Thụy, Hải Phòng), hơn 30 năm nay người dân vẫn truyền tai nhau câu chuyện huyền bí mang màu sắc hoang đường về người đàn ông có đứa con “giống Bụt”.

Qua lời kể hùng hồn và thuyết phục của những người từng gặp mặt đứa bé, chúng tôi quyết định đi tìm sự thật về lời đồn kỳ bí này.

Xôn xao câu chuyện “Bụt phạt”

Ba chục năm nay, những tưởng, theo thời gian câu chuyện mang nhiều màu sắc hoang đường về người đàn ông có khuôn mặt Bụt đã rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, điều bất ngờ, người dân Hữu Bằng vẫn không ngừng truyền tai nhau, kể vanh vách cho nhau nghe mỗi khi nhắc đến chuyện này.

Bà Nguyễn Thị Loan, người xã Thanh Sơn (cạnh xã Hữu Bằng), từng chứng kiến sự việc nhớ lại: "Chúng nó chỉ giống tượng phật bằng gỗ ngày xưa thôi. Da dẻ cũng như vậy, màu gỗ mốc, mắt một mí, sắc, tai sát vào không mở ra như bình thường. Một đứa mất hồi nhỏ, bây giờ nhà ông ấy vẫn còn một đứa đấy”.

Đồn thổi kỳ bí về người giống… Bụt
Vợ chồng ông Lai và cậu con trai.
Theo lời chỉ dẫn của bà Loan, chúng tôi tìm về xã Hữu Bằng để mục sở thị câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền bí này.

Người dân nơi đây kể lại, vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, tại làng Văn Cao, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng có một ngôi chùa bị bỏ hoang, đổ nát. Trong chùa chỉ còn mỗi bức tượng phật bằng gỗ là nguyên vẹn nhưng cũng đã tróc sơn vì mưa nắng. Đám trẻ chăn trâu trong làng thường ra đây chơi đùa.

Ông Nguyễn Văn Lai (SN 1954) khi đó chừng 13- 14 tuổi vốn nổi tiếng nghịch ngợm trong vùng. Một hôm, đang chơi trong chùa, cậu bé Lai đã trèo lên xoa vào đầu bức tượng rồi nói: "Đẹp trai nhỉ, giá như sau này mình đẻ được người con thế này thì tốt”.

Như có quả báo, chẳng ai ngờ câu nói đùa hồi trẻ con lại trở thành hiện thực vận vào hai đứa con của ông sau này?

Năm 1976, ông Lai kết hôn với bà Nguyễn Thị Bải. Đôi vợ chồng nghèo ở một ngôi nhà tranh cuối làng Văn Cao. Năm 1980, vợ chồng ông Lai sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Văn Vũ.

Khi mới sinh, người Vũ đỏ hỏn như quả mận chín, gia đình ông tưởng trẻ con mới đẻ ra người đỏ như vậy là bình thường. Nhưng được ba tuổi, người Vũ vẫn đỏ hỏn, không những vậy đầu còn không mọc tóc, da bị tróc vảy, không đi lại được, lúc nào cũng nằm với ngồi.

Chưa hết bàng hoàng, 6 năm sau, vợ chồng ông Lai lại sinh được người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Lê.

Lạ kỳ, người con gái cũng có mặt mày và nước da đỏ hỏn bị tróc vẩy giống hệt như anh trai. Hai người con của ông Lai lớn lên chẳng nói chẳng rằng, mắt to, môi thâm, đầu trọc, da tróc vẩy trắng, suốt ngày ngồi như tượng.

Lúc này, người ta mới bàn tán câu chuyện xảy ra ở ngôi chùa hoang cuối làng năm xưa. Câu chuyện nghịch Bụt đã khiến gia đình ông hoang mang, lo lắng.

Nghe mọi người mách nước vợ chồng ông đã đi cầu cúng khắp nơi, cứ chỗ nào có thầy giỏi là vợ chồng ông Lai lại tìm đến. Có lẽ, vì lời khẩn cầu thành tâm của vợ chồng ông nên ba người con sau này sinh ra đều bình thường.

Hoàn cảnh thương tâm

Chúng tôi tìm vào nhà ông Nguyễn Văn Lai đúng dịp ngày mùa, con đường làng ngập tràn rơm rạ. Ở cái làng này ai cũng thương cho vợ chồng ông Lai.

“Nhà ông Lai nghèo lắm. Trước kia ở nhà đất, có năm đứa con thì hai đứa bị bệnh tật, đốt không biết bao nhiêu tiền của chạy chữa mà chẳng khỏi. May mắn là có dự án đường cao tốc chạy qua, được đền bù ít tiền nên gia đình ông xây được cái nhà tử tế chứ không thì chẳng biết bao giờ mới ngóc đầu lên được”, một người dân trong làng cho biết.

Thoạt nhìn, ông Lai có thân hình chắc khỏe, nước da ngăm đen. Nhìn kỹ trên mặt ông người ta có thể nhận thấy nỗi khắc khổ còn đọng lại ở những nếp nhăn kéo đôi mắt buồn u tịch.

Đi bộ đội từ tháng 3 năm 1975, năm 1976 về nhà cưới vợ sau đó ông tiếp tục đi làm nghĩa vụ quân sự đến năm 1979 thì xuất ngũ.

Năm 1980, hai vợ chồng vui mừng khi đứa con đầu tiên chào đời. Gia đình đặt tên con là Nguyễn Văn Vũ.

Hồi mới sinh, da Vũ đỏ như da quả mận, người nhà cứ nghĩ là bị tràm sau đó đưa đến bệnh viện Nhi Đức để chăm sóc trong lồng ấp.

Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán Vũ bị tắc tuyến mồ hôi bẩm sinh. Hai năm sau, vợ chồng ông tiếp tục sinh thêm người con thứ hai đặt tên là Nguyễn Thị Lê.

Điều lạ kỳ, Lê cũng bị những triệu trứng như của Vũ. Gia đình ông vô cùng buồn bã, lại nghe lời đồn đoán của người dân nên rất hoang mang.

Bà Bải nhiều đêm chỉ biết ôm gối khóc ròng. “Hồi ấy, vừa chạy chữa cho các cháu, chúng tôi nghe người ta mách nên cũng đi cầu cúng các nơi. Bà nội, bà ngoại còn đưa các cháu lên chùa bán. Nhưng đấy chỉ là những biện pháp để giải tỏa tâm lý”, bà Bải kể lại.

Năm 1986, ông Lai đưa Vũ và Lê lên bệnh viện Việt - Tiệp, khoa Da liễu ở TP Hải Phòng để xét nghiệm. Kết quả lần này cũng khẳng định, hai đứa trẻ bị tắc tuyến mồ hôi bẩm sinh.

Bác sĩ ghi trong bệnh án là do nhiễm xạ. Lúc này ông Lai mới nhớ lại: "Hồi làm bộ đội tên lửa, sau những lần bắn tập thường phải vệ sinh bệ phóng. Có đôi ba lần trong lúc làm việc tôi đã hít phải thứ khí ô khí Gơ gì đó mà người ta hay gọi, sau đó về thì thấy người mệt mỏi. Nhưng chỉ thời gian ấy thôi, sau này thì người bình thường”.

May mắn, qua thời gian điều trị, những năm sau đó ông Lai sinh được ba người con nữa và cả ba đều khỏe mạnh, bình thường.

Ông Lai bộc bạch: "Trước đây gia đình khó khăn lắm, gần đây được đền bù mảnh đất vài trăm triệu cũng cố gắng xây cái nhà cho các cháu nó ở đàng hoàng. Vũ trước đây còn đi lại, tự sinh hoạt được nhưng sáu, bảy năm trở lại đây mắt cháu mờ đi, tay không còn linh hoạt, gia đình phải đút cho ăn. Hiện ba đứa con sau của tôi thì hai đứa đang học đại học. Gia đình vẫn phải vay mượn để nuôi các cháu ăn học”.

Gặp Vũ, ban đầu chúng tôi cũng không khỏi giật mình bởi ngoại hình của anh có nét giống pho tượng. Chúng tôi hiểu vì sao người ta lắp ghép thành câu chuyện ly kỳ như vậy.

Trái với vẻ bề ngoài dữ dằn, Vũ rất thật thà và thân thiện, đặc biệt giọng nói của anh rất khoẻ khoắn, sang sảng.

Từ khi sinh ra cho đến bây giờ Vũ sinh hoạt rất khó khăn, da lúc nào cũng khô, bong, nứt nẻ. Mỗi sáng thức dậy mất khoảng 15 phút cho da co dãn rồi mới hoạt động được. Mỗi ngày Vũ đều phải dùng thuốc mỡ bôi da và thuốc nhỏ mắt, trung bình một tuần hết hai lọ.

Ngồi được một lúc, đứng dậy lớp da lại bong ra và rơi xuống đất. Ông Lai lại cầm chổi khua khua và hót cẩn thận lớp da bong tróc.

Hiện tại, Vũ được chế độ 202 dành cho người tàn tật, mỗi tháng anh được trợ cấp 360 nghìn đồng. Những giấy tờ xét nghiệm khi xưa đã bị thất lạc nên không đủ hồ sơ để làm chế độ cao hơn cho Vũ.

Mùa đông sắp tới, Vũ lại sắp phải đối mặt với nỗi đau đớn thể xác lớn nhất trong năm. Vì lúc thời tiết hanh khô, lớp da của Vũ sẽ nứt nẻ nhiều hơn và bong ra từng mảng lớn khiến chảy máu.

Nỗi đau này đã kéo dài 31 năm và Vũ vẫn còn phải tiếp tục đối mặt cho đến hết cuộc đời...

Ông Nguyễn Trường Sơn, trưởng thôn Văn Cao cho biết: "Ngày trước, đình, chùa bị tàn phá, trẻ con vào chơi là chuyện bình thường. Ông Lai hồi đó nghịch thật nhưng cũng chẳng đến nỗi nói như những lời đồn thổi. Tượng ở chùa hồi đó, trẻ con đứa nào chả sờ, chả nghịch, chưa kể những người phá chùa sao họ lại chẳng bị gì? Hơn nữa, năm 2010 và trước đấy ông ấy cũng đi xét nghiệm là bị nhiễm xạ, hai đứa con chẳng qua bị bệnh hiếm gặp nên mọi người thêu dệt cho ly kỳ chứ thật sự không có câu chuyện như lời đồn người ta vẫn kể”



 -------------------------------------------------------------------

.

Nỗi đau của những con người bị “quỷ ám”

Tình trạng của Tâm cứ như quỷ ám, ma hành. Anh Quan bảo, mỗi khi lên cơn ngứa ngáy, không chịu nổi, Tâm lại trèo tít lên ngọn cây và đu lủng lẳng trên đó khiến vợ chồng anh sợ hết hồn vía.





Vết loét kinh hoàng trên vai bé Tâm.
Vết loét kinh hoàng trên vai bé Tâm.
Có một vùng đất của người Mường đẹp nao lòng như cái tên của nó: Mường Chiềng. Nhưng vùng đất đẹp đẽ như nàng tiên ngủ quên giữa núi rừng, bỗng một ngày, cách đây 30 năm, bị… “quỷ ám”. Người Mường đồn vậy. Họ sợ mảnh đất ấy lắm. 30 năm trước, một “con quỷ” đã đội lốt một đứa trẻ. Giờ đây, những “con quỷ” hiện về càng nhiều. Tổng cộng đã có 10 “con quỷ” ẩn trong những sinh linh bé bỏng, vô tội, thương tâm ở Mường Chiềng. Những đứa trẻ không làm gì nên tội, nhưng lại phải chịu một thứ cực hình, mà có lẽ, đồ tể, cai ngục tàn bạo nhất cũng không nghĩ ra được, âm tào địa phủ cũng không có.

Nỗi đau của những con người bị “quỷ ám”
Thung lũng Mường Chiềng.
4 năm trước, tôi đã có mặt ở Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình). Tôi đã thực sự sợ hãi, lạnh người và rời Mường Chiềng với những giọt nước mắt lạc vào đá núi. Tôi biết rằng, vài câu chữ, chẳng làm được gì to tát để giúp những thân phận bị “quỷ ám” kia. Các giáo sư, tiến sĩ y khoa đầu ngành, đã phải bó tay. Căn bệnh “quỷ ám” kia đến ngành y thế giới cũng chịu. Vậy tôi làm được gì chứ? Tôi bị ám ảnh với ánh mắt không thôi hy vọng của họ khi cất bước rời Mường Chiềng. Mường Chiềng ám ảnh tôi từ bấy đến giờ.

Mường Chiềng vẫn vậy. Đèo dốc quanh co, khiến con đường mấy chục cây số mà xa xôi diệu vợi. Cái tên Mường Chiềng đã nổi tiếng lắm, nhưng buồn thay, Mường Chiềng nổi tiếng không phải vì có thung lũng hoa mận, hoa mơ, không phải vì có suối nguồn róc rách, cảnh vật trữ tình, mà Mường Chiềng nổi đình nổi đám vì căn bệnh quái gở bỗng phát tác ghê gớm, làm chấn động xã hội, làm đau xót bao con tim.

Nỗi đau của những con người bị “quỷ ám”
Bé Xa Văn Tâm.
4 năm trước, thằng bé Xa Văn Tâm còn nhỏ, nó ngồi nem nép bên bậu nhà sàn khi có người lạ ghé thăm. Nhà Tâm ở xóm Chiềng Cang, cách trung tâm xã chừng 20 phút cuốc bộ. Cha Tâm, anh Xa Văn Quan buồn lắm. Kể về con, tý anh lại khóc. Nước mắt cứ nhạt nhòa, chan đầy câu chuyện.

Năm 1997, vợ anh Quan sinh hạ thằng bé bụ bẫm. Được thằng con đẹp đẽ, nên vui lắm, mổ lợn ăn mừng, mấy ngày rượu tràn quanh bếp lửa. Lên nương thì thôi, chứ về nhà anh lại quẳng cày hôn hít con. Anh hứa với vợ, sẽ lao động chăm chỉ, trồng ngô trồng sắn, dành dụm tiền bạc nuôi con ăn học thành người, không để nó phải cực nhọc nương rẫy như cha mẹ nữa.

Nỗi đau của những con người bị “quỷ ám”
Anh Xa Văn Quan và cậu con tội nghiệp của mình.
Nhưng, niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu. Chỉ 5 tháng sau, trên cơ thể bé Tâm có những biểu hiện lạ thường. Những nốt đỏ thư thủy đậu mọc lên, bọng nước, đỏ ối, rồi vỡ ra lở loét. Nếu ở nơi khác, thì bệnh này không đáng lo, nhưng ở mảnh đất mà người ta độc mồm gọi là “quỷ ám” này, thì ôi thôi, quỷ đã mò đến hại gia đình anh rồi.

Biểu hiện bệnh “quỷ ám” trên thân thể bé Tâm cũng giống hệt những trường hợp trước đó. Nốt mẩn đỏ mọc trên trán, lan dần xuống ngực, cổ và tràn ngập 2 vai, lưng. Vợ chồng anh Quan nhìn con mình, ngày qua ngày, cứ như thể có dòi bọ lúc nhúc dưới lớp da, ăn thịt con mình, mà lòng đau như dao cắt. Khổ thân bé Tâm, chưa biết đi, đã phải biết gãi. Bé cứ khua khoắng loạn xạ, khóc lóc suốt ngày. Cái bệnh này ngứa lắm, ngứa như có dòi bọ trong da, không gãi không chịu nổi.

Nỗi đau của những con người bị “quỷ ám”

Mặc dù biết con mình bị “quỷ ám”, vô phương cứu chữa rồi, nhưng anh Quan vẫn làm một việc vô nghĩa, là đem con đi kêu khóc. Anh đưa con lên bệnh viện huyện, huyện bảo lên tỉnh, tỉnh lắc đầu bảo về trung ương. Các bác sĩ từ địa phương đến chuyên gia đầu ngành da liễu, cũng lắc đầu không biết là bệnh gì. Họ đành cấp đơn thuốc bôi ngoài da. Nhưng những thứ thuốc thông thường ấy chẳng có tác dụng gì, càng bôi, vết loét càng lan rộng hơn, sâu hơn. Con đường đến bệnh viện là con đường cụt mất rồi.

Xứ Mường Hòa Bình nổi tiếng vì có nhiều bài thuốc dân gian độc đáo, bí truyền. Nghe lời mách bảo, vợ chồng anh Quan đã đưa con đi đủ các xứ “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để nhờ các thầy lang điều trị. Các thầy lang đều xót thương cho thân phận “quỷ ám” của bé Tâm, mà ra sức cứu chữa. Họ dùng đủ các bài thuốc uống trong, bôi ngoài, đắp lá, ngâm chậu, xông hơi. Thế nhưng, những bài thuốc được dân gian đúc kết cả ngàn năm kinh nghiệm cũng chẳng ăn thua gì. Những vết loét cứ mỗi ngày một lan rộng, ăn sâu vào cơ thể bé nhỏ của Tâm.

Nỗi đau của những con người bị “quỷ ám”
Mỗi khi đau đớn, ngứa ngáy quá, bé Tâm lại bỏ nhà đi lang thang.
Đông y, Tây y đều bó tay, không còn cách nào khác, đường cùng, anh Quan đành phải nghe lời dân bản, mời thầy mo đến cúng đuổi “con quỷ” đang trú ngụ trong thân thể con mình.

Tất thảy những thầy mo nổi tiếng nhất ở vùng Đà Bắc đều đã bó tay trước “con quỷ” tàn độc này. Gia đình những nạn nhân của căn bệnh quái gở ở Mường Chiềng cũng đã lần lượt mời các thầy mo trong vùng đến cúng, song bệnh tình chỉ nặng thêm. Bụt chùa nhà không thiêng, anh Quan phải sang tận Tân Lạc rước thầy mo cao tay nhất vùng về.

Đêm bắt “quỷ” hôm đó có mặt đông đủ họ hàng, làng bản. Hương khói, cờ phướn, lá bùa dán khắp ngôi nhà sàn. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng chú của thầy mo rền rĩ, âm âm trong cảnh núi rừng tịch mịch. Cậu bé Xa Văn Tâm với mình trần lở loét khóc thét vì sợ.

Sau mấy tiếng đồng hồ cúng bái, thầy mo thông báo đã đuổi được con quỷ ra khỏi cơ thể Tâm. Mọi người vui vẻ uống rượu, chúc mừng. Anh Quan tràn ngập hy vọng.

Nỗi đau của những con người bị “quỷ ám”
Từ ngày bé Tâm bị căn bệnh "quỷ ám", rất ít người đủ can đảm bước chân vào nhà anh Quan.
Thế nhưng, nhiều ngày trôi qua, vợ chồng anh không nhận thấy sự đổi khác gì ở Tâm cả. Không những thế, Tâm còn có biểu hiện tâm thần, hoang tưởng. Tâm trở nên lầm lỳ, ít nói, cứ sểnh ra là trốn nhà bỏ đi lang thang. Đã có thời gian, không trông được con, vợ chồng anh Quan đóng một chiếc cũi và mỗi khi đi nương thì nhốt em lại. Nhưng nằm trong cũi thì kiến bò ăn thịt, ruồi bâu hút máu vết thương, càng làm Tâm phát điên. Em gào khóc, la hét, đập phá. Nhìn cảnh đó, xót xa quá, anh Quan đem cũi đi đốt. Đành phải chấp nhận cảnh thi thoảng Tâm lại bỏ nhà đi lang thang. Lâu quá không thấy con về, thì anh lại đi tìm. Cái hình dạng khủng khiếp của em ai gặp một lần là nhớ, nên anh đi tìm con cũng dễ. Nơi Tâm hay lê la là chợ búa, trường học ở các xã lân cận.

Hôm tôi lên Mường Chiềng, thì Tâm vừa về sau mấy ngày bỏ nhà đi lang thang. Anh Quan cởi áo con mình ra, tôi thực sự sốc. Tôi đã chứng kiến rất nhiều thứ bệnh tật quái gở, nhưng không cầm nổi lòng mình khi thấy mặt, cổ, vai, gáy và đặc biệt là phần lưng bong tróc với lớp thịt đỏ au nhầy nhụa. Bệnh của em đã khủng khiếp hơn 4 năm trước rất nhiều.

Tình trạng của Tâm cứ như quỷ ám, ma hành. Anh Quan bảo, mỗi khi lên cơn ngứa ngáy, không chịu nổi, Tâm lại trèo tít lên ngọn cây và đu lủng lẳng trên đó khiến vợ chồng anh sợ hết hồn vía. Khốn khổ nhất là những ngày hè nắng nóng. Mồ hôi hòa lẫn vào vết thương khiến em bỏng rát, ngứa ngáy tột cùng. Gãi vào vết thương thì thịt da bong tróc, máu chảy tung tóe.
-----------------------------------------------------------------

“Rắn thần“ báo thù, hàng chục người theo nhau chết?

Theo quan niệm dân gian, khi cải táng mộ, nếu gặp rắn nằm trong mộ thì tối kỵ việc bắt, giết. Thế nhưng, những người trong một dòng họ ở Thị xã Chí Linh (Hải Dương) khi cải táng ngôi mộ tổ, gặp sự việc bất thường này lại có hành động “bất thường”: Bắt hai con rắn nặng cả ký lô lên làm… mồi

Những chuyện lạ chưa thể giải thích từ đó cứ liên tiếp diễn ra trong dòng họ này. Chỉ trong một thời gian ngắn mà lần lượt những người trẻ chết tức tưởi, chết tai nạn vì những lý do cực kỳ lãng xẹt...

Đã phạm điều tối kỵ lại còn “trùng tang”?

Đầu những năm 2000, do mộ cụ tổ của cụ ông và cụ bà dòng họ nằm cách xa nhau, mộ của cụ bà lại bị người dân làm ruộng cuốc làm mất hết cả chân mộ dẫn đến nước ngập vào trong nên cả họ tiến hành họp những người cao tuổi trong dòng họ, bàn chuyện chuyển mộ cụ bà về gần cụ ông.

Người ta kể lại, khi thợ xây tiến hành đào đất để di dời mộ của cụ bà thì phát hiện trong ngôi mộ có một con rắn lạ, nặng khoảng nửa ký nằm ở độ sâu khoảng 1,5 mét, lạ lùng là mình rắn có màu đỏ như lửa. Tiếp tục đào mộ cụ ông, người ta lại tiếp tục phát hiện một con rắn hổ mang nặng đến một ký nằm ở trên đầu ngôi mộ. Theo lời kể lại, sợ nhất là cả hai con rắn trên đầu đều có mào hình chữ thập, nhìn kỹ thì thấy một con trên đầu có hình chữ “Thọ”, một con trên đầu có hình chữ “Phúc”.




Ảnh minh họa

Có lẽ người ta nghĩ ở khu vực cánh đồng ngập nước này, chuyện gặp rắn thì “thường như cơm bữa” nên không ai lấy làm lạ. Cánh thợ xây liền mang con rắn hổ mang đi bán lấy tiền uống rượu. Con rắn có màu đỏ rực còn lại thì ông Điền là người trong họ mang về nhà để ngâm rượu, nhưng sau đó vợ ông không cho ngâm nên ông mang ra ruộng thả đi.

Sau khi dòng họ di dời mộ cụ ông, cụ bà về với nhau, thời gian đầu mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, không có biến cố nào xảy ra. Bẵng đi một thời gian, vào khoảng năm 2007 vợ của ông trưởng họ bỗng nhiên bị bệnh đột ngột qua đời. Dân làng bỗng trở nên hoang mang hoảng sợ, kể từ đó câu chuyện về dòng họ bị “ma ám” bỗng trở nên xôn xao, náo động cả một vùng quê.

Người trong họ cho biết, sau khi vợ ông trưởng họ bỗng nhiên bị bệnh đột ngột qua đời, con dâu trưởng của người chết liền đi xem bói thì được cho rằng: Khi làm mộ, nếu phát hiện có rắn ở trong thì đó là điều thịnh vượng và không nên đào lên nhưng mọi người vẫn cố làm dẫn đến bị động mả, do đó các cụ “về bắt” dần con cháu trong họ và người đầu tiên “bị bắt” chính là vợ trưởng họ. Bên cạnh đó, thầy bói còn “phán” thêm: Do bà vợ trưởng họ bị “bắt” đúng vào giờ “trùng tang” nên cứ thỉnh thoảng các vị “thần trùng” lại về lấy con cháu trong họ xuống để làm phục vụ cho các “thần”.

Cả nhà theo nhau chết

Chẳng biết cái chết của bà vợ ông trưởng họ có liên quan gì tới việc “động mồ mả tổ tiên” hay “trùng tang” hay không, nhưng kể từ khi cô con dâu cả đi xem bói về thì hàng loạt người trong dòng họ không kể già trẻ, gái trai cứ thế chết dần chết mòn. Hơn một tháng sau, cả họ suốt ngày “bận bịu” vì tiễn đưa bốn người gồm: Cô, dì, chú, bác, cháu trong dòng họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Một điều trùng lặp khác khiến mọi người vô cùng lo sợ: Chỉ trong vòng có hơn nửa năm trời, ba vợ con của một gia đình trong dòng họ đang mạnh khỏe bỗng nhiên đổ bệnh rồi từ biệt mọi người về thế giới bên kia.

Trong vòng hơn một năm trời kể từ cái chết đầu tiên, tổng cộng gần chục người khác trong dòng họ cứ thế theo nhau chết, trong đó có những cái chết thuộc dạng lý do “cực dị”.

Cái chết của anh L.V. Ngãi (SN 1972) là một trong số đó, lạ đến mức khi nhắc lại cả người trong và ngoài cuộc vẫn ngơ ngác không biết giải thích như thế nào cho hợp lý. Đó là một buổi chiều giữa tháng 9/2009 vào giữa mùa rươi nổi, anh Ngãi cùng vợ chở nhau bằng xe đạp ra sông Bích Thủy bắt rươi.

Chị vợ kể lại: “Hôm đó, khi tới bờ đê sông anh Ngãi đưa điện thoại cho tôi, dặn đứng chờ rồi anh ấy bơi thuyền ra nơi bẫy rươi giữa sông”. Bóng anh Ngãi dần khuất trong bóng đêm giữa mênh mông sóng nước chỉ còn thấy leo lét ánh đèn pin. Đứng chờ trên bờ một hồi lâu, bỗng chị nhận được điện báo của anh chồng cũng đánh rươi cách đó vài trăm mét thông báo việc thấy đèn pin và chậu đựng rươi của anh Ngãi trôi lập lờ theo nước dòng mà không thấy người đâu.

Có chút sững sờ nhưng chị vợ cố trấn an suy nghĩ vì biết chồng lớn lên trên sông nước, bơi lội nhất nhì làng không thể có chuyện chết đuối. Nhưng đợi mãi, gọi mãi không thấy, chị mới tá hỏa hô hoán mọi người đi tìm giúp. Vạch từng bụi cỏ quanh sông, theo dòng vài km cũng không thấy động tĩnh gì. Lúc bấy giờ, không hiểu linh tính thế nào người anh trai nạn nhân mới giật mình nói rằng: “Nó vẫn ngồi đâu đây thôi”.

Quả thực, tất cả những người hôm đó sững sờ nhìn thấy thi thể anh Ngãi chợt bật lên khỏi mặt nước, xếp chân trong tư thế ngồi ngay cạnh mạn thuyền, không hề trôi đi dưới dòng nước đang cuồn cuộn chảy, trong khi không hề vướng mắc vào bất cứ vật cản nào. Nén lại đau thương và không thể giải thích được cái chết kỳ cục của nạn nhân, mọi người chỉ đoán già đoán non anh đã bị cảm đột ngột nên ngã đuối nước mà thiệt mạng.

Đúng ngày giỗ 100 ngày anh Ngãi, người anh trai cũng đột ngột qua đời ngay trong buổi sáng giỗ em.

Sáng hôm ấy, chị vợ anh dậy từ tinh mơ chuẩn bị gánh hàng cá đi chợ nhưng thấy chồng nằm im thin thít thì nhẩm nghĩ: “Chắc hôm qua đi làm nên mệt nhọc say giấc” và đã không đánh thức chồng. Sau khi chuẩn bị cơm sáng, đưa con đi học rồi đến khi tan chợ về nhà, chị vợ lấy làm lạ vì thấy chồng không đi dự giỗ trăm ngày em trai mà nằm bất động trên giường.

Nấu cơm xong, gọi dậy ăn nhưng anh chồng chỉ lắc đầu. Ngỡ chồng giận mình vì lý do nào đấy nên chị không nói gì. Đến tận chiều, cả nhà mới hốt hoảng về tình trạng của anh. Gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu, nhưng những dấu hiệu không lành về sức khỏe hiện tại của bệnh nhân đã báo trước cho dòng họ thêm một lần tang tóc. Anh trai anh Ngãi đã qua đời ít ngày sau đó tại bệnh viện Hải Dương sau cơn đột quỵ ấy.

Nỗi đau trong họ mạc, gia đình còn chưa chấm dứt khi hai anh em ruột lần lượt qua đời cách nhau 100 ngày mà không có lý do thì một sự lạ khác lại tiếp diễn. Đúng 100 ngày sau cái chết của người con thứ 2, mẹ đẻ của hai anh cũng đột ngột qua đời. Khăn tang trắng lại chồng lên khăn tang, chỉ hơn 9 tháng trời mà gia đình chịu cảnh chia ly người thân 3 lần.

Người trong họ kinh hãi, người trong thôn xôn xao. Thực hư không rõ như thế nào nhưng những sự lạ này cứ được đồn đại lên. Có người cho rằng “khi thấy người anh không dậy được thì mời thầy về cúng bái, cúng xong hôm sau nạn nhân bỗng tỉnh lại, nhưng kì quái là khi tỉnh dậy người này cứ đuổi bà vợ để cắn, rồi ngày hôm sau nữa thì chết”. Rồi chuyện lúc gia đình làm lễ gọi hồn người đó về hỏi thì người đó nhập hồn vào một người khác và cứ cười khanh khách: “Có phải một mình tao bắt đâu, thằng đấy nó khỏe lắm, tao phải gọi mấy người lừa lúc nó say rượu nên mới bắt được”.

Trước hàng loạt cái chết của mọi người, dòng họ liền tìm xuống một ông thầy ở Quảng Ninh để “cầu cứu” thì được người này phán rằng: “Dòng họ bị trùng tang nên cứ khoảng 100 ngày là lại có một người ra đi, nếu muốn thoát được thì phải nhờ thầy cao tay lập đàn giải hạn”.

(Còn nữa)


------------------------------------------------------------------
----------------------------------------------



Bón cơm cho người… chết!

Ông Sồng A Nhìa, con trai cả của bà Mỵ kiên nhẫn bón từng thìa cơm vào vòm miệng mà đôi môi đã phân hủy gần hết của mẹ.










Trong lễ cúng, người con cả sẽ bón cơm vào miệng người chết.
Trong lễ cúng, người con cả sẽ bón cơm vào miệng người chết.
Xưa kia, người Mông ở vùng rừng núi Tà Xùa (vùng giáp ranh giữa Phù Yên và Bắc Yên, Sơn La) thường đặt xác người chết trên giàn, treo lơ lửng vách nhà cả nửa tháng để làm ma. Sau từng ấy ngày làm ma, không hề có phương pháp bảo quản, ướp lạnh nên xác phân hủy nặng.

Theo lời cụ Sồng A Khư, vào mùa hè, khi người chết được làm ma đến ngày thứ 10 thì tai, mũi, má, ngón tay, ngón chân đều thối rữa, chảy ra, thậm chí rụng hết. Nhiều xác chết có lưỡi thè lè hẳn ra ngoài, có tử thi còn bị ruồi bọ ăn mất thịt, khuôn mặt lòi xương, thậm chí những con bọ to bằng đầu đũa từ tử thi bò xuống ngo ngoe khắp nhà. Con cháu phải đặt mấy cái chậu đóng bằng gỗ đựng tro dùng để hứng nước từ tử thi đang phân hủy chảy xuống.

Tuy nhiên, đó là chuyện của chục năm về trước, khi người Mông vẫn sống mông muội giữa đại ngàn Tà Xùa Phù Bắc Yên. Giờ đây, người Mông không cúng lâu thế nữa, họ chỉ làm ma tươi trong vòng 4 ngày là đem đi chôn.

Tôi đã đi đến nhiều vùng heo hút có đồng bào Mông sinh sống, từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Hà Giang, Lai Châu, và thấy rằng ở đâu đồng bào Mông cũng có nghi lễ làm ma tươi cho người chết. Tuy nhiên, lễ cúng thường chỉ diễn ra trong vòng 1-2 ngày, còn ở đây, dù đã rút ngắn so với ngày xưa rất nhiều, song lễ cúng ma vẫn diễn ra ít nhất là 4 ngày.

Trong suốt những ngày làm ma cho người chết, dân bản kéo đến ăn uống linh đình. Người Mông ở đây quan niệm, khi linh hồn về được với tổ tiên là một niềm vui nên những bữa ăn tiễn đưa linh hồn phải thật linh đình, vui vẻ, mọi người phải cười nói thoải mái.

Bón cơm cho người… chết!
Để 4 ngày như thế này, xác chết bà Mỵ đã bốc mùi khủng khiếp.
Việc khóc lóc trong lễ làm ma thường chỉ mang tính hình thức (đối với người chết già) chứ không phải đau khổ. Khóc lóc trong lễ làm ma cũng là một nghệ thuật. Khi thầy cúng vừa cúng xong, mấy người con trai khóc rống lên một hồi, nhưng không có giọt nước mắt nào. Họ chỉ khóc một lúc, rồi im bặt, dành cho tiếng khèn ù ù vang lên.

Có một nghi lễ khiến chúng tôi phải lạnh gáy, đó là việc mỗi ngày, người con cả phải bón cơm ba lần cho người chết trước bữa ăn. Người con cả cứ xúc từng thìa cơm và thịt bón vào miệng người chết.

Bón cơm cho người… chết!
Múa khèn cúng ma.
Tất nhiên, người đã chết thì không thể ăn cơm được, nên cứ bón vào miệng, cơm lại vãi ra. Bón xong cơm, người con cả xúc cơm vãi đổ vào quả bầu khô đặt cạnh đầu người chết. Hành động này diễn ra trong suốt quá trình cúng bái, làm ma. Trong lúc người con cả bón cơm, đám con cháu tụ tập quanh xác chết khóc lóc và ai cũng cố khóc thật to để tỏ lòng hiếu thảo.

Ngày làm ma thứ 4 của bà Mỵ, chúng tôi lại tìm đến. Vừa bước vào trong nhà, một thứ mùi ngai ngái, rờn rợn của xác chết đang phân hủy xộc vào mũi, đồng nghiệp đi cùng tôi chạy luôn ra bìa rừng nôn thốc, nôn tháo.

Bón cơm cho người… chết!
Thầy cúng là những người nắm rất rõ tục cúng ma.
Ông thầy cúng vẫn ngồi dưới nền nhà bền bỉ đọc bài khúa khê (chỉ đường) bằng ngôn ngữ Mông. Nín thở tiến lại gần xác chết, tôi suýt ói mửa khi thấy khuôn mặt của bà Mỵ đã bẹt ra vì đang phân hủy.

Tôi không đủ can đảm để hít thở cái không khí ngột ngạt và kinh hoàng ấy. Tôi chụp nhanh lại cảnh tượng làm ma rồi chạy mau ra ngoài.

Ấy vậy mà, trong ngôi nhà nhỏ ấy, người ngồi quây quần đông như nêm và cứ vô tư ăn uống, đánh chén. Ông Sồng A Nhìa, con trai cả của bà Mỵ vẫn kiên nhẫn bón từng thìa cơm vào vòm miệng mà đôi môi đã phân hủy gần hết của mẹ.

Bón cơm cho người… chết!
Trồng ngô trên núi ở Suối Tọ.
Theo già Sồng A Khư, người Mông ở đây không bao giờ chôn người chết vào những ngày Tý, Dậu, Mão, Tỵ. Họ kiêng chôn người chết vào những ngày là con vật bé, chỉ chôn vào những ngày là con vật to như Mùi, Sửu, Ngọ, Thìn, Dần. Lý do vì sao thì cụ Khư cũng chẳng biết. Tổ tiên xưa làm ma thế nào, thì con cháu cứ theo nghi lễ mà làm.

Điều khá lạ, trong lễ cúng ma, ngoài những bài cúng còn có những lần hát đối đáp với những lời lẽ vui tươi để tiễn đưa người chết về trời. Người Mông quan niệm chết là được lên thiên đường, nên cúng càng nhiều, càng tốn kém thì người chết về thế giới bên kia càng được sung sướng và càng thể hiện được chữ hiếu của người sống với người quá cố.

Với những nghi lễ phức tạp như thế, nên vào mùa hè, khi người chết được làm ma đến ngày thứ 4 thì xác đã phân hủy và bốc mùi kinh khủng. Mùi ngai ngái của xác chết lan ra khắp thung lũng.

Bón cơm cho người… chết!
Trẻ em Mông ở Suối Tọ.
Trong tang ma cổ truyền của người Mông, đến ngày làm ma cuối cùng, từ sáng sớm con cháu và hàng xóm đã nhảy múa, hát hò, thổi khèn quanh xác chết rồi ăn uống no say, sau đó mới khiêng xác ra chỗ trống. Xác chết được để trên một cái sàn. Xung quanh sàn được cắm lá xanh. Thầy cúng làm lễ dâng hiến từng con vật. Ông ta buộc một sợt dây từ tay người chết nối với con vật được dâng tế.

Khi đọc xong bài tế thì tất cả các con vật bị giết. Lúc đó con cháu mới khóc và đội khèn trống thì nhảy múa vòng quanh xác chết liên tục trong 4 tiếng. Sau bữa trưa linh đình tại bãi đất trống, tử thi được mấy thanh niên khỏe mạnh vác trên vai chạy thật nhanh đến nơi chôn rồi thả xuống cái hố đã đặt sẵn mấy tấm gỗ pơ-mu.

Huyệt được đào ở một nơi hẻo lánh, ít người qua lại. Mộ được đắp rất đơn giản. Con cháu bê đá xếp theo từng bậc, đàn ông xếp 7 bậc, đàn bà xếp 9 bậc. Chôn xong, mọi người chia nhau luồn rừng đi quanh co một lúc rồi mới chạy về nhà. Họ làm như thế với suy nghĩ để con ma không biết đường theo về.

Bón cơm cho người… chết!
Cuộc sống của đồng bào Mông ở Suối Tọ còn nghèo khó, song làm ma lại rất tốn kém.
Nghi lễ cuối cùng là làm ma khô. Nghi lễ này diễn ra sau 13 ngày kể từ ngày chôn. Ý nghĩa của việc làm ma khô là đón hồn người chết về lần cuối cùng để thăm con cháu, anh em, họ hàng và nhận các vật cúng tế, sau đó lại tiễn hồn đi.

Trong lễ ma khô, nhà khá giả thì mổ một con trâu, nhà nghèo thì cũng đôi lợn hoặc dê để ăn uống linh đình. Thầy cúng treo xương hàm những con vật đã từng bị giết thịt trong lễ tang và lễ ma khô cắm trên các cọc gỗ trước nhà, hàm ý hồn ma chỉ được về tới đó, không được vào nhà.

Vừa đọc bài cúng tiễn hồn ma đi, thầy cúng vừa vãi những hạt đỗ tương, hoặc kê đã rang chín ra xung quanh nhà và đường đi với lời cảnh báo rằng: Chỉ khi nào hạt đậu, hạt kê đã rang chín ấy mọc lên thành cây xanh tốt thì ma mới có thể về quấy nhiễu người sống được.



-----------------------------------------------------

Săn thú rừng ở Đức

Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô. Đó là lời của một bài thơ mà tôi thích nói về mùa thu. Thế nhưng, mùa thu chúng tôi đi săn.


Ảnh minh họa: epa.gov.
Ảnh minh họa: epa.gov.

Gia đình tôi sống ở miền nam nước Đức, thuộc tiểu bang Bavaria tươi đẹp có nhiều núi cao và những cánh đồng và rừng thông trải dài theo đường quốc lộ. Chạy theo dòng sông Donau thơ mộng chảy qua 11 nước trong châu Âu còn có dòng sông Isar đi qua làng gia đình tôi đang sống.
Năm nay thu đến muộn. Nắng thu xuyên qua rừng lá đủ màu sắc. Lá phong ngả màu vàng đầy dưới đường mòn, lá sồi màu đỏ xếp cạnh hàng thông cao ngất và xanh mướt quanh năm. Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ ông van Gogh đổ màu lên tấm lụa chứ không phải vẽ, nhưng bây giờ sống và nhìn thực tế, tôi thấy nể họa sĩ này.
Chúng tôi đổ bộ vô một cánh rừng vùng thấp thuộc tiểu bang Bavaria, nơi cánh đồng bắp bạt ngàn tưởng chừng vô tận nằm cạnh cánh rừng thông. Cuộc họp và phân công của nhóm diễn ra chớp nhoáng. Bảy tay súng lấy giấy phép sử dụng súng cho một người cảnh sát làm trưởng nhóm kiểm tra theo thông lệ, dù mọi người đã quen biết nhau. Chúng tôi 9 người sẽ mặc áo có phát quang được phân công rõ việc từng người. Mỗi người cầm theo một cây gậy và tù và.
Cuộc săn bắt đầu. Anh cảnh sát đi ngang hàng với tôi thỉnh thoảng đưa súng ngắn lên trời bắn chỉ thiên. Mùa này, trời bắt đầu lạnh dù 10h sáng trời có nắng. Đôi giày cao cổ và quần áo ấm cũng không chống lại được vì tôi phải chui vô bụi gai hay đi xuyên qua hàng cây cành tua tủa, sương đậu trên lá rơi thẳng vào cánh tay và cổ áo. Chúng tôi luôn phát tiếng động bằng tiếng tù và hay tiếng súng của người đẫn đầu. Hai con chó không hề biết mệt chạy dọc rồi chạy ngang luôn sủa tiếng the thé. Nó nhỏ như con phốc thôi, khi thấy con heo rừng, nó chạy xung quanh con heo như muốn cắn chân con vật to và răng nanh dài nhọn đó. Con Snoopi giống chăn cừu của tôi được một ngày thả chạy cứ thè lưỡi vì mệt. Nó chưa đi săn lần nào.
Khi tiếng súng thợ săn đứng trên tháp chát chúa là khi những con nai bị hạ gục. Mỗi tiếng súng của thợ săn vang vọng cả núi rừng khiến những con thú chạy ra từ ruộng bắp hay từ cánh rừng. Mỗi khi một người phát hiện trong ruộng bắp là ngôi nhà của heo rừng hay nai sẽ thông báo cho mọi người bao vây. Những cái lưới được quăng ra, hai ba con nai nhỏ ngơ ngác trước sự có mặt của con người. Cuộc đi săn lại tiếp tục, tiếng súng thợ săn lại nổ.
Chúng tôi bước qua nơi đàn heo rừng tàn phá, cảnh tượng ruộng bắp bị cắn phá làm thiệt hại nhiều cho người nông dân. Năm ngoái, một con heo rừng 150 kg lao thẳng tới hướng tôi. Lúc đó, tôi đang chui qua từng cây bắp cao ngất đầu và miệng thổi tù và. Con heo rừng liền phóng qua trái chạy thẳng ra khỏi ruộng và bị một phát đạn bắn gục tại chỗ. Mọi người đứng lại nhìn tôi trong khi đó tim tôi đang ở trên cây. Chúng tôi phải dùng tới máy cày mới đem được con heo rừng xuống núi.
1h chiều, mọi người nghỉ và bàn tán công việc trong ngày. Tôi và hai người nữa được phân công thu gom chiến lợi phẩm. Nhóm thứ hai xuống con dốc mang heo rừng về. Chiếc Land Rover cào trên con đường mòn của xe khai thác gỗ, đi qua những vết mòn của nước mưa tạo dòng chảy.
Các bạn sẽ nghĩ tôi và những người thợ săn là kẻ độc ác khi nhìn đôi mắt nai tròn đã nằm bất động sau xe? Không đâu, chúng tôi ưu tiên những chú nai bé nhỏ bị bắt sống được về trước và chuyển nơi ở mới xa đường xe chạy. Ở đây bạn đi trên xa lộ cũng có thể nhìn thấy từng đàn nai rừng trên thảm cỏ bên rừng sau hàng rào lưới chắc chắn. Những con nai"vô tội" đó là có thể gây ra những tai nạn xe khủng khiếp khi chúng chạy ra đường.
Tuần này, đội săn chúng tôi hạ được ba con nai và bốn con heo rừng. Mọi người vui vẻ uống bia và món thịt nguội được chuẩn bị trước bên trong một căn nhà của chủ rừng sử dụng cho nghỉ đông. Trong lúc đi săn, tôi và thằng bạn cũng kiếm thêm được một túi nấm. Cứ theo vết chân của nai sẽ có nấm ăn được. Món nấm xào bên lò sưởi củi nhanh gọn cùng thịt nai làm mọi người cười vui vẻ gọi tôi là Chinese koch (đầu bếp Trung Hoa).
Cuộc sống là thế đấy, hai tuần nữa tôi lại đi săn với bạn bè đồng nghiệp. Thú nhất là đi trong rừng mùa này, không khí lạnh chưa có tuyết cộng thêm cảnh sắc núi rừng miền nam nước Đức biên giới với Áo thật hùng vĩ.
Chuyện tôi kể có thật, tôi cũng không giỏi văn nhưng xin các bạn đọc để biết cuộc sống của chúng tôi bên đây.
Huỳnh Thiện Thành

1 Kommentar: